Thế giới

Gián đoạn nguồn viện trợ, kinh tế Ukraine gặp khó

Thùy Dương 28/12/2023 - 07:17

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không thể thông qua các gói hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine do chia rẽ nội bộ. Cả hai gói viện trợ đều phải chờ đến đầu năm tới khiến độ tin cậy về các cam kết của phương Tây dành cho Ukraine bị lung lay trong suốt kỳ nghỉ đông.

Các nhà phân tích nhận định, Ukraine có thể đối phó được với các vấn đề tài chính trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng việc gián đoạn lâu hơn hoặc cắt giảm hoàn toàn hỗ trợ từ các đối tác chủ chốt sẽ khiến Kiev gặp khó khăn trong năm 2024.

kinh-te-uk.jpg
Nền kinh tế Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài từ khi xảy ra cuộc xung đột với Nga năm 2022. Ảnh: Reuters

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022, Kiev đã dồn toàn bộ nguồn thu của mình vào quốc phòng và quân sự, trong khi chi tiêu cho mọi thứ từ lương hưu, lương khu vực công đến duy trì hoạt động của các dịch vụ đều được chi trả bằng hàng chục tỷ USD viện trợ nước ngoài. Ukraine đã nhận được hơn 68,5 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga, theo dữ liệu của Bộ Tài chính nước này.

Năm 2024, đất nước này sẽ lại cần những gói hỗ trợ để xử lý các khoản thanh toán xã hội, tiền lương cho nhân viên nhà nước và lương hưu cho hàng triệu người dân. Chính phủ Ukraine dự kiến thâm hụt ngân sách khoảng 43 tỷ USD và có kế hoạch trang trải bằng khoản vay trong nước và viện trợ tài chính từ đối tác phương Tây, bao gồm 18,5 tỷ euro (20,40 tỷ USD) từ EU và hơn 8 tỷ USD từ gói hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Các chuyến thăm Mỹ và châu Âu gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không mang lại nhiều kết quả khi hai gói hỗ trợ tài chính đều gặp khó khăn. Trong 18 tháng qua, các quan chức Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu và các đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn nói rằng, sẽ hỗ trợ Ukraine “miễn là cần thiết”. Tuy nhiên, hiện nay, các cuộc khủng hoảng chính trị ở Brussels và Washington khiến cam kết này bị đặt dấu hỏi.

Tại Mỹ, đảng Cộng hòa tỏ ra do dự trong việc phê duyệt đề xuất tài trợ do Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đưa ra, trong đó sẽ phân bổ 61,4 tỷ USD viện trợ mới cho Ukraine. Nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm đạt được sự đồng thuận về vấn đề này đã bị hủy bỏ trước khi họ rời Washington để bước vào kỳ nghỉ lễ. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết, mục tiêu là thông qua một thỏa thuận vào tháng 1 năm sau. Đầu tháng 12-2023, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự đồng thuận để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với thách thức trong việc đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro cho Kiev do vấp phải sự phản đối từ Hungary.

Giáo sư Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc Li Haidong cho biết, kế hoạch viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc phê duyệt, một phần do ảnh hưởng của dư luận trong nước. Ngày càng nhiều công dân Mỹ bày tỏ sự bất bình hoặc không hài lòng về việc viện trợ cho Ukraine.

Một báo cáo khảo sát của Gallup (một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ) vào tháng 11 vừa qua cho biết, quan điểm của công dân Mỹ về cuộc xung đột đã thay đổi, với 41% trong số họ nói rằng, Mỹ đang làm quá nhiều để giúp đỡ Ukraine. Một nguyên nhân khác là cuộc đấu tranh giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa đang sử dụng vấn đề viện trợ cho Ukraine làm đòn bẩy để yêu cầu Nhà Trắng và đảng Dân chủ đồng ý chính sách nhập cư cứng rắn hơn. Tương tự tình hình ở Mỹ, tiếng nói hoài nghi của công chúng châu Âu về hoạt động viện trợ cho Ukraine ngày càng gia tăng. Ngoài ra, còn có sự chia rẽ trong EU, khi ngày càng nhiều nước thành viên phản đối việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi đồng minh nhanh chóng thông qua các gói viện trợ cho Kiev với cảnh báo sự phục hồi kinh tế của Ukraine sẽ gặp nguy hiểm nếu nước này không có hỗ trợ tài chính mới. Kiev sẽ phải cắt giảm chi tiêu hoặc nhiều khả năng là phải viện đến nguồn tài trợ bằng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, dẫn đến nguy cơ gây ra siêu lạm phát và bất ổn cho hệ thống tài chính của đất nước.

Trong khi thế giới đang lo lắng quan sát cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ diễn biến như thế nào vào năm 2024, một số phương tiện truyền thông Mỹ nhận định, liên minh của Ukraine với Mỹ và châu Âu có thể sẽ bất ổn trong năm tới, khi tương lai của các gói viện trợ đang trở nên không chắc chắn.