98% lao động nữ di cư được khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp
Qua khảo sát của tổ chức Công đoàn, có 98% lao động nữ di cư được khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ được khám định kỳ 2 lần/năm đã tăng (chiếm 53,5%), còn lại 46,5% lao động được khám 1 lần/năm. Thông tin trên được đề cập trong Báo cáo khảo sát “Về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vừa được công bố.
Báo cáo do nhóm cán bộ của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với cán bộ Công đoàn của một số địa phương thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8-2023.
Cuộc khảo sát được tiến hành tại 10 tỉnh, ngành trong cả nước, gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc (miền Bắc); Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế (miền Trung); thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang (miền Nam), Công đoàn Dệt May khu vực phía Nam.
Theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần trong năm. Đối với lao động nữ, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản. Còn theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.
Việc khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của lao động nữ. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp coi kết quả khám sức khỏe định kỳ là một trong những căn cứ để doanh nghiệp bố trí công việc phù hợp, thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ và giải quyết các chế độ, chính sách cho lao động nữ.
Gần 93% người lao động cho biết, doanh nghiệp đã tổ chức thực hiện khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe và quyền lợi của lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ di cư. Nhờ đó, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, từ đó hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra.