TP Hồ Chí Minh: Đưa các chợ đầu mối hướng đến mô hình hiện đại
Theo các chuyên gia, để thích ứng với tình hình mới, hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số mô hình hoạt động.
Ngày 27-12, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tổ chức hoạt động chợ đầu mối trong ngắn hạn nhằm thích ứng với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và khởi đầu cho việc hướng đến mô hình hiện đại”.
Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối lớn gồm Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn thành phố bộc lộ nhiều hạn chế. Thành phố đã đóng cửa 3 chợ này trong giai đoạn cao điểm chống dịch. Trong năm 2023, lượng hàng hóa nhập về 3 chợ đầu mối trung bình khoảng 7.000 - 8.500 tấn/đêm, giảm so với thời điểm trước dịch từ 500 - 1.500 tấn/đêm.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, giải pháp thích ứng của hệ thống chợ đầu mối hiện nay là chuyển đổi số mô hình hoạt động. Việc chuyển đổi số giúp định hướng khách hàng, tham gia thị trường rộng hơn, không chỉ thị trường trong nước, mà có thể tham gia xuất khẩu. Trước đây, chợ đầu mối là nơi tập hợp hàng hóa cung cấp cho các kênh bán lẻ, mô hình mới có thể mở rộng thêm dịch vụ logistics, cung cấp thông tin thị trường…
Theo đề án “Phát triển hệ thống chợ tại thành phố Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), quá trình chuyển đổi số tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có thể thực hiện theo 3 giai đoạn: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh; chuyển đổi số mô hình quản trị; kết nối tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 của Lazada cho biết, ngành thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam. Với vai trò không thể thiếu trong việc cung ứng hàng hóa cho hơn 10 triệu dân tại thành phố Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối trên địa bàn không thể đứng ngoài cuộc của xu hướng chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận, mô hình chợ đầu mối tại thành phố hiện khá lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố đang nghiên cứu mô hình mới của hệ thống chợ đầu mối đáp ứng 5 yêu cầu: Hình thành được mô hình chợ đầu mối theo hướng hiện đại, giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra khỏi chợ về các kênh bán lẻ; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; bảo đảm bộ máy quản lý, đáp ứng sự vận hành của một chợ đầu mối hiện đại; bảo đảm cơ chế thực thi đối với mô hình quản lý, vận hành chợ đầu mối trong bối cảnh chuyển đổi số.