Gỡ khó cho... chuyển đổi đất lúa
Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang sản xuất cây trồng, vật nuôi khác song gặp không ít khó khăn, vướng mắc...
Nhiều khó khăn, vướng mắc...
Nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc điều chỉnh quy hoạch đất lúa, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang sản xuất cây trồng, vật nuôi khác, nhất là đối với các diện tích bị xen kẹt, khó khăn về nguồn nước... Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần có giải pháp tháo gỡ.
Bà Trần Thị Phượng - người dân sở hữu đất lúa tại thôn Liên Bu, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình bà sở hữu mảnh đất lúa hơn 700m2, nhưng thửa đất này lại xen kẹt giữa khu dân cư, không đủ điều kiện thủy lợi để sản xuất và hiện trạng đất cũng đã thay đổi. Gia đình có nguyện vọng muốn chuyển đổi từ đất lúa sang đất cây lâu năm, nhưng thủ tục rất phức tạp.
Trường hợp của gia đình bà Phượng cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân có đất lúa bị xen kẹt trong khu dân cư.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám thông tin, việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã nơi có đất và việc đăng ký này không phải nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác vẫn gặp không ít khó khăn do chính quyền địa phương cho rằng, đất lúa là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, khó thực hiện. Do vậy, nhiều mô hình trồng cây ăn quả hoặc nhà màng, nhà lưới rất hiệu quả, nhưng về thủ tục đất đai lại rất vướng.
Minh bạch thủ tục, hỗ trợ pháp lý hiệu quả
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Vũ Khắc An cho biết, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13-12-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, quy định rõ việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác với nhiều quy định theo hướng không làm mất đi hiện trạng sản xuất lúa nước. Điều này chỉ nên áp dụng với diện tích đất lúa là các vùng lúa chuyên canh, bờ xôi ruộng mật, quy mô vùng... Đối với các thửa đất xen kẹt, có diện tích từ vài chục mét vuông đến dưới 10.000m2, khi các điều kiện về hạ tầng sản xuất cho đất lúa không còn thì chính quyền địa phương nên mạnh dạn tạo điều kiện cho người dân được chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, làm nông nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó là hỗ trợ pháp lý để người dân được hiệu đính trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công bố rõ quy trình, thủ tục đăng ký biến động tại địa phương để người dân nắm được.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang cây trồng lâu năm đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng lại không tính đến những thửa đất lúa chỉ “nằm" trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thực tế đã bị xen kẹt từ lâu, dẫn đến thủ tục khó khăn, phức tạp, lúng túng. Do vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quan tâm tới nội dung này để tháo gỡ, đơn giản hóa quy định pháp lý cho hàng ngàn thửa đất lúa đang bị xen kẹt, vướng mắc tại các khu dân cư.
Liên quan đến vấn đề này, cán bộ địa chính xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Chúc cho biết, để xác định hiện trạng thửa đất lúa bị xen kẹt giữa các thửa đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm khác là không quá khó, bởi tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đã khá cao. Do đó, khi có biên bản xác minh hiện trạng thửa đất đang bị xen kẹt, không đủ điều kiện sản xuất, cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể cho địa phương và người dân thực hiện các quy định về đăng ký biến động.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho rằng, đối với các trường hợp đất lúa xen kẹt, hoặc các khu đất lúa sản xuất kém hiệu quả đã chuyển đổi trồng cây ăn quả, người dân cần nghiêm túc chấp hành, phối hợp với chính quyền địa phương làm hồ sơ thủ tục hiệu đính mục đích sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần hiệu đính lại mục đích sử dụng đất cho đúng thực tế, trên tinh thần hướng dẫn, hỗ trợ để hộ dân, hợp tác xã thực hiện thuận lợi.
Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định: Việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm khác, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của xã, phường, thị trấn, bảo đảm công khai, minh bạch. Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng để hình thành vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.