Công nghiệp văn hóa

Số hóa văn hóa dân gian - chuyển động từ những người trẻ:Kết nối chặt chẽ hơn giữa giới trẻ và các chuyên gia

Khánh Linh 25/12/2023 - 12:27

Số hóa văn hóa dân gian không đơn giản chỉ là chuyển đổi phương tiện lưu trữ mà từ nền tảng số này, cộng đồng có thể nghiên cứu, khai thác, chia sẻ dữ liệu, quảng bá du lịch hoặc tạo ra các sản phẩm văn hóa...

Hànộimới Cuối tuần có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về giải pháp cần có để hoạt động số hóa văn hóa dân gian ngày càng hiệu quả.

hau-dong.jpg
Văn hóa dân gian chỉ phát triển và tươi tốt trong “không gian thiêng” của mình.

- Thời gian gần đây, các hoạt động số hóa văn hóa dân gian của giới trẻ diễn ra khá mạnh mẽ. Cũng từ đây, văn hóa dân gian được vận dụng và lưu giữ tốt hơn. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Tại Việt Nam, từ xưa, phương pháp lưu trữ chính của văn hóa dân gian vẫn là truyền miệng. Nhờ phương pháp này mà ông cha ta đã gìn giữ, lưu truyền biết bao di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, từ nghi thức cúng bái, kinh nghiệm cày cấy, lễ hội, phong tục tập quán, lời ca tiếng hát và cả những câu chuyện dân gian.

Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, việc gìn giữ và phát huy văn hóa dân gian đang được hỗ trợ bằng công nghệ số. Với một đất nước sở hữu kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và đa dạng như Việt Nam, chuyển đổi số chính là cầu nối hữu ích đưa văn hóa dân gian đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, số hóa văn hóa dân gian còn mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian, giúp bảo vệ văn hóa dân gian trước mối đe dọa thất truyền... Đồng thời, nó cũng giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về văn hóa dân gian từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức văn hóa dân gian một cách linh hoạt và hiệu quả.

Đặc biệt, việc giới trẻ ngày càng quan tâm tới văn hóa dân gian là một tín hiệu đáng mừng bởi đây là lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển, tiếp nối, duy trì văn hóa dân gian. Chính sự hiểu biết của họ về công nghệ cộng với sự năng động, khả năng sáng tạo đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho loại hình văn hóa này.

- Vậy theo ông, những khó khăn phải đương đầu khi số hóa văn hóa dân gian là gì?

huu-son.jpg
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

- Theo tôi, mặc dù công nghệ đã có nhiều tiến bộ nhưng việc số hóa vẫn đòi hỏi đầu tư rất lớn về kỹ thuật và công sức lao động. Bên cạnh đó, để số hóa văn hóa dân gian một cách hiệu quả thì phải có nguồn dữ liệu chính xác. Nếu thiếu hiểu biết, các sản phẩm số hóa sẽ mất đi phần hồn, phần gốc, từ đó đe dọa đến tính nguyên bản của văn hóa dân gian.

Bảo tồn di sản, nhất là di sản phi vật thể, luôn phải tuân theo tiêu chí “chỉnh thể nguyên hợp”, bởi nếu có bất cứ một yếu tố nào thay đổi thì sẽ làm thay đổi các yếu tố khác. Chẳng hạn, văn hóa dân gian thường gắn với “không gian thiêng”, đó là không gian mang màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo, là không khí trang trọng của một buổi lễ, nghi thức truyền thống...

Nếu chúng ta không quan tâm đến “không gian thiêng” mà chỉ quan tâm đến thành tố khác như hình thức thể hiện, các làn điệu... thì sẽ làm cho văn hóa dân gian bị biến dạng, thậm chí biến mất. Ví dụ, nghi thức thờ Mẫu có không gian thiêng của nó, mất không gian thiêng ấy thì không còn gọi là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nữa; khi đó chỉ còn là buổi biểu diễn một phần của nghi thức mà thôi.

Cuối cùng, để số hóa văn hóa dân gian trở nên phổ biến và được tiếp cận rộng rãi thì sự phát triển của hạ tầng công nghệ cần phải được đồng bộ hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần việc này đang gặp nhiều trở ngại.

- Ông nhận định như thế nào về vấn đề bản quyền trong bối cảnh số hóa văn hóa dân gian hiện nay?

- Vấn đề bản quyền văn hóa dân gian là thách thức chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Bản quyền của văn hóa dân gian, trước tiên, thuộc về cộng đồng. Nhưng cộng đồng là ai, trả bản quyền cho họ thì trả như thế nào..., điều đó hiện chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật. Thêm nữa, nhờ số hóa văn hóa dân gian mà cộng đồng có thể dựa vào dữ liệu đã được số hóa để nghiên cứu, khai thác, chia sẻ dữ liệu, quảng bá du lịch hoặc tạo ra các sản phẩm văn hóa, tuy nhiên, khi các nhạc sĩ dựa vào văn hóa dân gian để cải biên thì bản quyền của họ sẽ được thể hiện như thế nào? Các họa sĩ lấy ý tưởng từ các hoa văn, hình tượng trong văn hóa dân gian thì vấn đề bản quyền được giải quyết ra sao...? Tất cả những điều này hiện rất cần được giải quyết thông qua các quy định cụ thể.

- Theo ông, trong tương lai chúng ta cần phải làm gì để hoạt động số hóa văn hóa dân gian đạt hiệu quả hơn?

- Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Vì thế, tôi cho rằng, cần có sự kết nối giữa những người trẻ và các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa dân gian để hai bên trao đổi, tư vấn và đưa ra được những sản phẩm số hóa văn hóa dân gian chất lượng. Tiếp đó, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy như Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ... để có những quy định cụ thể về bản quyền đối với văn hóa dân gian.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích lớp trẻ tham gia các hoạt động số hóa văn hóa dân gian nhiều hơn nữa. Giới trẻ rất sáng tạo, nhiệt tình, yêu nghề, đam mê cống hiến. Tôi nghĩ, chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều sản phẩm số hóa văn hóa dân gian độc đáo, mới lạ, hấp dẫn mang tinh thần, năng lượng trẻ trung của họ và điều đó sẽ góp phần tiếp sức cho văn hóa dân gian trường tồn, phát huy tác dụng trong đời sống đương đại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!