Sức khỏe

Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức: Tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng

Vũ Minh 25/12/2023 - 06:25

Góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, năm 2023, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần, nhất là đối với trẻ em.

my-duc.jpg
Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn tại cộng đồng do Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức triển khai, nhiều người dân đã biết cách tự chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nhiều người bị ảnh hưởng mà không biết

Ngày nay, cuộc sống hiện đại mang lại cho người dân nhiều tiện ích, niềm vui, song cũng tạo ra những áp lực, căng thẳng, thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần. Biểu hiện phổ biến là lo âu, trầm cảm, ám ảnh, stress, rối loạn hành vi ở người trẻ, tăng động, giảm chú ý tuổi học đường, mất trí nhớ ở người già...

Theo số liệu công bố mới nhất, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp ở nước ta chiếm gần 15% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn, với 5,4% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác, như chậm phát triển tâm thần (0,63%), rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. So với tỷ lệ dân số, thì số lượng người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, trong đó có trẻ em.

Đáng quan tâm hơn, không ít trẻ hiện mắc chứng tự kỷ hoặc tăng động, giảm chú ý, nhưng do không phân biệt rõ hai chứng này, dẫn đến điều trị chưa đúng. Cụ thể, rối loạn tự kỷ là một tình trạng ngôn ngữ, nhận thức, cảm giác cùng với hành vi bị rối loạn suy yếu, từ đó gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tăng động giảm chú ý là một hội chứng, biểu hiện rõ nhất là không chú ý, hiếu động, bốc đồng, có đặc trưng là khởi bệnh sớm trước 7 tuổi. Người mắc chứng tăng động giảm chú ý thường có những hoạt động quá mức, kém kiềm chế, thiếu chú ý rõ rệt, thiếu kiên trì trong công việc. Những biểu hiện này thể hiện qua nhiều tình huống, trong đó sự thiếu chú ý là nét trọng tâm…

Nói cách khác, chứng tự kỷ có những biểu hiện gần giống như khuyết tật trí tuệ, còn tăng động giảm chú ý là chứng bệnh ảnh hưởng đến cách não phát triển. Trẻ em mắc chứng tăng động giảm chú ý, nếu không được điều trị sớm, thì đến tuổi vị thành niên có thể gặp khó khăn trong quá trình học tập.

Do chưa hiểu rõ, đầy đủ về sức khỏe tâm thần, nên nhiều người bị ảnh hưởng mà không biết. Họ thường nghĩ đơn giản, đó là biểu hiện lúc căng thẳng, mệt mỏi, nên không đi khám, điều trị kịp thời. Đối với trẻ em, khi có biểu hiện rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý tuổi học đường, không ít người xung quanh cho rằng, đó là hành động nghịch ngợm theo lứa tuổi của trẻ, lớn lên sẽ hết. Song trên thực tế, việc để tình trạng này kéo dài, thì bệnh của trẻ ngày một nặng hơn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ người trẻ sử dụng, lạm dụng các chất kích thích gây nghiện…

Giảm thiểu nguy cơ

Để giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trước hết mỗi người cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần từ gia đình, cộng đồng. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, giúp mỗi người hiểu rõ để chủ động phòng, chống. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng; điều tra về rối loạn trầm cảm ở nhiều địa phương. Với những bệnh nhân điều trị tại cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tiến hành sinh hoạt câu lạc bộ, hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc bệnh nhân.

Thông qua mô hình sinh hoạt câu lạc bộ, năm 2023, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã tổ chức được 40 buổi sinh hoạt tại 8 câu lạc bộ, với khoảng 2.000 người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia. Đối tượng tập huấn được nghe các bác sĩ truyền đạt những nội dung liên quan đến sức khỏe người tâm thần; việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng, trợ giúp tâm lý cho người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng. Cùng với đó, người tham gia được trang bị biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh động kinh; tâm thần phân liệt; rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu; bệnh sa sút trí tuệ tuổi già; rối loạn lo âu, trầm cảm…

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất, việc duy trì sinh hoạt mô hình các câu lạc bộ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân; rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà của họ. Vì thế, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tiếp tục duy trì, phối hợp tổ chức chương trình câu lạc bộ dành cho bệnh nhân định kỳ mỗi tháng một lần.

Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã, đang có những đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhất là với trẻ em độ tuổi học đường.