Đoàn Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng
Ngày 23-12, Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai - Thái Lan, do ông Amnat Jongyotying - Chủ tịch Hội Nhà báo kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông tin tức tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) làm Trưởng đoàn đã đến thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Tham dự Đoàn công tác về phía tỉnh Chiang Mai có các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai; bà Waranya Lertworakitpipat, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai; bà Ubolnapa Kengkrak ij, Thư ký Hội Phụ nữ tỉnh Chiang Mai.
Đón tiếp và đưa đoàn tham quan làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có: Đại diện Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Báo Hànộimới và xã Bát Tràng...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi giới thiệu với Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai về lịch sử phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Làng nghề có từ lâu đời, gắn với Thăng Long - Hà Nội. Khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và đổi tên thành Thăng Long, được phép vua, các bậc tiền nhân, thợ thủ công từ các làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay) đến Bạch Thổ Phường (nay là xã Bát Tràng) mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho nhà nước.
Gốm sứ Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đều mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng.
Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của Việt Nam, nổi tiếng cả trong và ngoài nước là: Gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay còn gọi gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng phát triển mạnh mẽ nhất từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay. Nếu trước đây nung gốm bằng lò than, thì nay được sử dụng lò gas, điện.... Sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng phong phú đa dạng, có nhiều kiểu dáng chủng loại và kích thước, phân loại theo chức năng, như: Đồ thờ cúng có phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe…; đồ gia dụng có ấm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu... và đồ gốm trang trí mỹ nghệ, gốm xây dựng.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước châu Á như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và một số nước châu Âu như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp.
Ngày nay, gốm Bát Tràng phát triển và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Hằng năm, Bát Tràng đón khoảng 5 vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
Năm 2009, UBND thành phố ra quyết định công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội” cho 2 làng nghề gốm sứ Giang Cao và Bát Tràng của xã Bát Tràng.
Năm 2019, xã Bát Tràng tiếp tục được thành phố công nhận là điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, đơn vị tư vấn, thiết kế lập "Đề án bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống" và khu vực xây dựng Bảo tàng truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Trên cơ sở đó, xã đã quy hoạch diện tích 120ha tại khu vực ngoài đê sông Hồng để thực hiện đề án, góp phần đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ kết hợp du lịch tại địa phương.
Sau khi nghe giới thiệu về làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai - Thái Lan được lãnh đạo xã Bát Tràng, đại diện Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Báo Hànộimới đưa đi tham quan một số xưởng sản xuất gốm sứ, nơi trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm gốm sứ tại cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng, thăm Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Chủ tịch Hội Nhà báo kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông tin tức tỉnh Chiang Mai - ông Amnat Jongyotying bày tỏ ấn tượng khi đi thăm làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, trân trọng sự nhiệt tình, mến khách của xã Bát Tràng, thành phố Hà Nội.
Đồng thời, ông Amnat Jongyotying đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề với nhiều cơ sở sản xuất, có sự gắn kết trong phối hợp sản xuất, kinh doanh. Làng nghề đã và đang tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho nhiều lao động. Các sản phẩm của làng nghề đẹp, phong phú về màu sắc, đa dạng mẫu mã, phù hợp nhu cầu, thị hiếu đông đảo khách hàng.
Ông Amnat Jongyotying cũng bày tỏ khi về Thái Lan, ông cùng đoàn công tác sẽ giới thiệu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp sản phẩm gốm sứ của xã Bát Tràng, để khi có cơ hội tới Việt Nam, họ sẽ đến thăm, mua sản phẩm của làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Một số hình ảnh Đoàn công tác Hội Nhà báo Chiang Mai, Thái Lan thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng: