Giáo dục

Tư vấn tâm lý học đường khiến học sinh thích đến trường hơn

Thống Nhất 23/12/2023 - 16:19

Trong đổi mới giáo dục, tư vấn tâm lý trong trường học ngày càng được đề cao. Các trường học trên địa bàn Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động này.

tu-van-2.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 23-12, Câu lạc bộ quản lý trường ngoài công lập Hà Nội, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội tổ chức hội thảo tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Trường học có vị trí việc làm về tư vấn tâm lý

Những năm gần đây, tư vấn tâm lý học đường đã trở thành hoạt động được các nhà trường quan tâm hơn và được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức. Từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT- BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định, đây là bước ngoặt lớn giúp thay đổi nhận thức và cách vận hành việc chăm lo sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn đứng trước nhiều thách thức, mà vướng nhất là thiếu kinh phí và nhân lực. Các trường tư thục chủ động hơn nên có thể bố trí kinh phí và có cán bộ chuyên trách, còn ở nhiều trường công lập, cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp hạn chế, đôi khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn, để xảy ra các sự việc đáng tiếc.

Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ban hành ngày 30-10-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt” công lập được cho là đã “cởi trói” cho những khó khăn về việc bố trí nhân lực cho công việc rất đặc thù này. Lần đầu tiên trong trường học, vị trí việc làm tư vấn học sinh được bố trí một biên chế. Thông tư này cũng quy định rõ, trường hợp không bố trí được biên chế thì bố trí giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động.

tu-van-3.jpg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản phát biểu.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản, từ khi có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên chế tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông toàn quốc, ngành Giáo dục Hà Nội đã tích cực triển khai. Tuy nhiên, khi tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý rộng rãi ở các nhà trường thì lại nảy sinh nhiều vấn đề như: Làm thế nào để triển khai bài bản, khoa học? Làm thế nào để có chất lượng, hiệu quả và bền vững, đáp ứng việc xử lý một cách khoa học những vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần nảy sinh trong nhà trường, với học sinh và các thầy, cô giáo để bảo đảm nhà trường an toàn, thầy trò hạnh phúc…

Kinh nghiệm từ cơ sở

Khẳng định sự cần thiết của việc có cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý trong trường học, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie cho biết: Từ năm 2018, nhà trường đã thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường tại cơ sở Mỹ Đình với 5 cán bộ, nhân viên, được cấp kinh phí hoạt động theo năm học. Năm 2022, nhà trường thành lập thêm một phòng tham vấn ở cơ sở mới Văn Phú với quy mô tương tự. Phòng tham vấn tâm lý hoạt động theo nguyên tắc “3C”, viết tắt của ba chữ: Chuyên môn, chuyên nghiệp, chuyên trách”. Sau 5 năm hoạt động, nhà trường đã hỗ trợ hàng nghìn học sinh và phụ huynh. Phần lớn học sinh gặp khó khăn đều chủ động tìm đến phòng tham vấn.

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, 5 năm nay, các vụ việc trong học sinh giảm hẳn, gần như triệt tiêu, học sinh thích đến trường hơn.

tu-van-4.jpg
Các đại biểu dự hội thảo.

Kiên trì mô hình “không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ra trường", một trong những “bí quyết” của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là vận hành hiệu quả phòng tư vấn tâm lý từ năm 2021.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, nhà trường luôn bố trí 3 cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý. Là trường có “đầu vào” không chọn lọc nên nhà trường đặc biệt quan tâm rèn ý thức, nền nếp; giúp học sinh có “5 tự” gồm: Tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm. Từ nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn, nhà trường tạo động lực cho học sinh phát triển bản thân thông qua việc tạo nhu cầu học tập, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh. Để thực hiện các nội dung này, bên cạnh việc đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm thì đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý cũng được đặc biệt coi trọng.

Chia sẻ về mô hình tham vấn học đường, đại diện Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, tham vấn học đường của nhà trường bao gồm ba mảng: Tâm lý học đường; cố vấn trường học; tư vấn hướng nghiệp và du học. Trong đó, bộ phận tâm lý học đường có chức năng thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho học sinh và góp phần tạo dựng môi trường học lành mạnh. Còn bộ phận cố vấn học đường là mô hình thay thế cho giáo viên chủ nhiệm, nhằm bảo đảm mỗi học sinh đều nhận được sự hỗ trợ cần thiết để làm chủ được kế hoạch học tập, cuộc sống học đường một cách tích cực. Mỗi cán bộ cố vấn học đường phụ trách một nhóm khoảng 10-15 học sinh và đóng vai trò như đại diện chính thức của học sinh; gặp học sinh hằng tuần để trao đổi về kết quả học tập và các chủ đề khác…