Văn hóa

Đánh thức sông Hồng

Chu Minh Khôi 23/12/2023 - 07:57

So với nhiều dòng sông lớn khác đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc kiến thiết đô thị, dường như sông Hồng đoạn qua Thủ đô Hà Nội như một cô gái đẹp vẫn còn đang ngủ, chờ được đánh thức.

dong-song-1.jpg
Bãi đá sông Hồng là một không gian vui chơi, tham quan du lịch được yêu thích tại Hà Nội.

Qua sông Hán, sông Chao Phraya

Năm 2023, chúng tôi có chuyến công tác tại Seoul (Hàn Quốc), rất ấn tượng về vẻ đẹp hiện đại của thành phố này. Nhưng, ấn tượng nhất có lẽ là sông Hán với những con đường hiện đại, những “rừng cao ốc” ở hai bên sông cùng hàng chục cây cầu nguy nga nối hai bờ.

Từ sân bay vào thành phố, du khách di chuyển trên con đường cao tốc phía bờ Nam sông, qua cây cầu vòm tuyệt đẹp sang bên bờ Bắc để vào khu vực lõi đô thị. Đường cao tốc chạy song song gần sông, cách với sông bởi một công viên cây xanh dài miên man. Nhiều đoạn, đường cao tốc "chạy ra khỏi bờ", đi trên dòng sông; trong chiều hoàng hôn, cảnh đẹp càng trở nên “buốt mắt”.

Lên đỉnh tòa nhà Lotte World Tower 123 tầng - cao nhất Hàn Quốc hiện tại, du khách ngắm nhìn toàn cảnh sông Hán như ở ngay bên dưới. Lướt mắt dọc theo sông, chiêm ngưỡng hơn 30 cây cầu bắc ngang, mỗi cây cầu hình dáng khác nhau như trình diễn thời trang kiến trúc. Cầu Banpo đắm chìm trong không gian ánh sáng đẹp mê hồn nhờ hệ thống đài phun nước chiếu đèn led nhiều màu sắc. Cầu Dongjak lạ mắt với tàu điện chạy qua. Cầu Grand dây văng dài nhất Hàn Quốc, ban đêm lung linh ánh đèn. Cầu Hangang băng qua đảo nhân tạo Nodeulseom, cũng là một điểm ngắm cảnh tuyệt diệu...

dong-song-3.jpg
Vẻ đẹp hiện đại của thành phố Seoul bên dòng sông Hán.

Tôi từng tham quan Bangkok (Thái Lan) trên du thuyền đi dọc sông Chao Phraya vào buổi đêm. Đường kề sát bên sông, những tòa nhà cao tầng hiện đại mọc san sát nối tiếp tới sát bờ sông. Nhờ vậy, từ trên thuyền trên sông Chao Phraya, khách tham quan có cảm giác như trôi giữa hai dải phông đèn sáng rực trời do các tòa nhà tạo nên - một tác phẩm nghệ thuật được dệt bởi ánh sáng.

Sông Hồng còn "ngái ngủ"

Trở lại sông Hồng ở Thủ đô Hà Nội, ta trở về một khung cảnh khác, hoang sơ với bãi bờ lau lách, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới nắng chiều. Sông Hồng đoạn qua Thủ đô gắn với những chiến công hiển hách của cha ông xưa: Những trận chiến đánh bại giặc Mông - Nguyên (đỉnh cao là chiến thắng Chương Dương - Hàm Tử); chiến trận Bồ Đề của Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh; chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược... Kinh thành Thăng Long bên bờ sông Hồng với hơn 1.000 năm tuổi, trải qua nhiều thời kỳ vàng son, từng có lúc phát triển rực rỡ bậc nhất Đông Nam Á. Thế nhưng ngày nay, so với sông Hán ở Seoul và sông Chao Phraya ở Bangkok, dường như sông Hồng vẫn còn "ngái ngủ".

Sông Hồng trong tôi là cảnh những thương lái trên sông nước. Bãi cát hoang vắng bên sông thoắt trở nên nhộn nhịp, tấm ván mỏng manh nối mé thuyền với bãi cát, đong đưa theo sóng. Những người phụ nữ vai gánh đôi sọt, đầu đội thúng mủng, thoăn thoắt bước xuống. Họ đem những sọt hàng nông sản: Hoa quả, lương thực, gia súc, măng, mộc nhĩ, nấm hương... từ những làng quê mạn ngược sông Hồng, theo thuyền về tập kết trên bãi cát dưới chân cầu Chương Dương, sau đó bán cho các thương nhân ở chợ Long Biên và các chợ khắp Hà Nội.

Sáng xuôi thuyền hàng xuống Hà Nội, đêm ngược sông Hồng để về nhà, cực nhọc vậy mà lái buôn đường sông chủ yếu là phụ nữ. Chị Hạnh - một thương lái mà tôi gặp ở đây - cho biết chị theo thuyền chuối từ huyện An Lạc (Vĩnh Phúc) xuống, tất cả hơn 30 thương lái đều là người cùng làng. Công việc thu gom chuối do đàn ông trong các gia đình đảm trách, phụ nữ chịu trách nhiệm đưa hàng xuống Thủ đô để bán.

Mỗi ngày một chuyến, xuất phát từ nhà lúc 10h sáng, đến nơi là 2h chiều, bán hàng đến 6h chiều. Thuyền buôn quay trở về vào buổi tối, những tấm ván được đặt trên sàn thuyền để thay giường. Từ lâu, họ đã quen với đời sống sông nước như vậy. Chị Hương, một nữ thương lái khác, tâm sự: Nghề “thương hồ” thấm vào máu thịt rồi, dẫu không thích cũng chẳng muốn đổi sang nghề khác.

Ấn tượng trong tôi về sông Hồng còn là những vườn trồng hoa ven sông với vẻ đẹp thơ mộng. Đó là làng hoa Nhật Tân với sắc đào rực rỡ mỗi khi xuân về. Đặc biệt, vườn hoa bãi đá sông Hồng ở dưới chân cầu Nhật Tân, hay vườn hoa Long Biên ở phía bờ Bắc sông Hồng từ nhiều năm nay trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Nào cúc họa mi, hoa hướng dương, hoa sen, nào thạch thảo, cánh bướm, đào, cúc tím... Những vườn hoa đã làm nên nét đặc sắc của sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.

"Đánh thức” một dòng sông

Qua sông Hán, sông Chao Phraya và nhiều con sông ở những thành phố khác, khi nghĩ về sông Hồng, chúng tôi luôn mong muốn được nhìn thấy sự đổi thay ở nơi này. Muốn được nhìn thấy sông Hồng thức dậy, khoác lên Thủ đô nước mình tấm áo lộng lẫy hiện đại và hài hòa với thiên nhiên, bồi đắp dòng chảy lịch sử trường tồn của dân tộc.

dong-song-2.jpg
Quang cảnh trên sông Chao Phraya.

Ngày nay, trên sông Hồng đoạn qua nội thành Hà Nội đã có cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì... Nhưng có vẻ như Hà Nội còn cần nhiều cây cầu nữa. Cũng cần có những khu đô thị, những tòa cao ốc đẹp và hạ tầng giao thông hiện đại hòa quyện với vẻ đẹp dòng sông lịch sử, những đường dạo bộ tới sát ven sông để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan đặc biệt ở nơi này.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo "Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng”.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: "Việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của bãi giữa sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi và tham quan du lịch, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử".

Tôi nghĩ, xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng không nên chỉ tạo ra không gian xanh như mọi công viên thường thấy. Phát triển cảnh quan sông Hồng cần tạo ra nét riêng, khác biệt với các thành phố khác trên thế giới. Ấy là, cần phát huy nét đặc sắc của các làng hoa, các vườn hoa ven sông hiện có. Thành phố nên chú trọng phát triển những công viên hoa từ cơ sở mô hình các vườn hoa, làng hoa hiện nay. Có thể đó là những công viên hoa tư nhân, hoặc các công viên hoa công cộng do Nhà nước đầu tư, tạo thành hệ sinh thái hoa với đủ sắc màu. Để sau này, khi du thuyền đi dọc sông Hồng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đô thị hiện đại tràn ngập sắc hoa.