Du lịch

Khơi dậy tiềm năng du lịch Cao Bằng

Bài và ảnh: Bảo Khánh 23/12/2023 - 07:54

Là tỉnh miền núi Đông Bắc sở hữu vẻ đẹp tự nhiên độc đáo hiếm có, từ lâu Cao Bằng đã in sâu trong tâm trí nhiều người ấn tượng về một vùng non nước hữu tình với những danh thắng mang tính độc bản, chỉ có ở vùng "phên giậu" của Tổ quốc.

Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên, bản sắc văn hóa đa dạng được kết tinh qua nhiều thế hệ đã làm nên hình ảnh đặc trưng cho vùng đất này. Trong định hướng phát triển của mình, Cao Bằng xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền núi trung du phía Bắc.

cao-bang.jpg
Thác Bản Giốc - hình ảnh đại diện của du lịch Cao Bằng.

Nơi thiên nhiên và văn hóa hòa quyện

Nhắc đến Cao Bằng, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) - thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ cùng những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi được gìn giữ đã khẳng định tính độc bản của thác Bản Giốc. Khu du lịch thác Bản Giốc, nơi hội tụ nhiều danh thắng nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky... đã được công nhận là Danh thắng quốc gia vào năm 1998.

Không chỉ có vậy, Cao Bằng còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như hồ Thang Hen, động Ngườm Pục, núi Mắt thần (núi Thủng), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén... Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng - nơi hội tụ hơn 130 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành 500 triệu năm của Trái đất, đã được tạp chí du lịch Insider của Mỹ bình chọn là một trong 50 cảnh đẹp hấp dẫn nhất thế giới.

Bên cạnh sự hấp dẫn về thiên nhiên, miền non nước Cao Bằng còn có bề dày lịch sử cùng nét văn hóa đa sắc được hình thành từ hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú của 20 dân tộc anh em. Trong số hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, đặc sắc nhất phải kể đến di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2022. Cùng với đó là hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng các cấp.

Cao Bằng cũng là tỉnh sở hữu hệ thống di tích cách mạng kháng chiến nổi trội so với các nơi khác. Là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời và là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, Cao Bằng hiện còn lưu giữ những di tích quan trọng như Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng), nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân về nước, sống và làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc từ năm 1941 - 1945; Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình), nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An), nơi duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy chiến dịch... Đó chính là những “tài sản” quý báu để Cao Bằng phát triển du lịch, đưa hình ảnh con người và vùng đất Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài nước.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, đầy tiềm năng nhưng du lịch Cao Bằng phải đối mặt với không ít thách thức để phát triển và khẳng định thương hiệu của mình. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn như hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, du lịch - dịch vụ, cửa khẩu, đô thị, nông thôn...) còn thiếu đồng bộ. Nhất là hạ tầng giao thông đang là “điểm nghẽn” lớn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến Cao Bằng. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng, năng lực; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả... Ngoài những “điểm nghẽn” trên, Cao Bằng còn thiếu các sản phẩm mang tính đặc thù để có thể cạnh tranh với các tỉnh lân cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn... đang là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn.

Để khơi thông các “điểm nghẽn”, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Sen Rừng Trần Thị Huyền Thanh cho rằng, Cao Bằng cần phải có sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, xây dựng các sản phẩm mang tính độc đáo, khác biệt từ những lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như du lịch Glamping (cắm trại cao cấp) tại các vùng đồi thấp, có cảnh quan đẹp, đồng thời đưa vào những trải nghiệm đẳng cấp, chất lượng để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao nhằm phát triển du lịch bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến, chú trọng đến nội hàm “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” để làm nổi bật lợi thế khác biệt về con người và vùng đất này.

Đồng tình với quan điểm cần phát triển các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng khác biệt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Typic Việt Đỗ Quang Tiến hiến kế, Cao Bằng nên tận dụng lợi thế sở hữu 333km đường biên giới Việt - Trung để đầu tư xây dựng và phát triển mạnh các tuyến du lịch biên giới, xây dựng hệ thống homestay biên giới gắn với các trải nghiệm văn hóa bản địa, tìm hiểu lịch sử truyền thống để tạo thành một sản phẩm riêng có. Đối tượng nhắm đến là khách nội địa, đặc biệt là các bạn trẻ thích phiêu lưu, trải nghiệm.

Với những chiến lược cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến khác biệt, du lịch Cao Bằng sẽ sớm khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt.