Tài chính

Đẩy mạnh hoàn thuế giá trị gia tăng

Hương Thủy 23/12/2023 - 06:18

Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, việc hoàn thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2023, ngành Thuế đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp "gỡ vướng", đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

thue.jpg
Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Cục Thuế thành phố Hà Nội).

Đã hoàn 128.488 tỷ đồng tiền thuế

Theo Tổng cục Thuế, 11 tháng năm 2023, ngành Thuế đã hoàn 128.488 tỷ đồng, bằng 80,3% số Chính phủ báo cáo Quốc hội (160.000 tỷ đồng). Theo Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới; ban hành bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế; khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan... Từ đó, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được đẩy nhanh nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro gian lận, trục lợi ngân sách nhà nước.

Việc hoàn thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, vì vậy nhận được nhiều sự quan tâm. Tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 diễn ra mới đây, đại diện Công ty cổ phần Thương mại, xuất, nhập khẩu toàn cầu An Phát cho biết, doanh nghiệp đã 32 lần xuất khẩu tinh bột sắn và làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng 4 năm vẫn chưa được hoàn thuế. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, vấn đề của Công ty cổ phần Thương mại, xuất, nhập khẩu toàn cầu An Phát là câu chuyện dài liên quan đến việc hoàn thuế. Cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu của công ty là căn cứ vào đánh giá rủi ro.

Giải trình trước Quốc hội trong kỳ họp diễn ra tháng 11-2023, sau khi nhận được nhiều ý kiến từ đại biểu phản ánh việc hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật Quản lý thuế, nếu hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian là 6 ngày; còn kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày. Thực tế, một số trường hợp vướng mắc do khi ngành Thuế xác minh ở nước ngoài và được cơ quan thuế các nước phản hồi là không tồn tại doanh nghiệp nhập khẩu, tức hợp đồng xuất khẩu vô hiệu nên không thể hoàn thuế.

Qua thực tiễn từ một số Cục Thuế cho thấy, việc hoàn thuế giá trị gia tăng gặp phải không ít khó khăn. Đơn cử như với các ngành hàng có rủi ro trong xuất khẩu (tinh bột sắn, mùn cưa, linh kiện điện tử, cao su…), việc xác minh mất rất nhiều thời gian, khó bảo đảm thời gian hoàn thuế đúng quy định, do khâu mua - bán và xuất khẩu ở nhiều vùng khác nhau. Ngoài ra, cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra chống gian lận thuế nên việc thu thập thông tin tài liệu để làm rõ bản chất giao dịch giữa các doanh nghiệp không dễ, dẫn đến rủi ro trong giải quyết hoàn thuế…

thue-1.jpg
Việc hoàn thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2023, để tiếp tục đẩy nhanh giải quyết hồ sơ hoàn thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu, cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố báo cáo những hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đang vướng mắc, trong đó lưu ý những hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng kiểm tra trước, hoàn sau có thời gian giải quyết đã quá hạn. Các cục thuế nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý dứt điểm công việc, có chế độ báo cáo hằng tuần, hằng ngày. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo ngay về Tổng cục để được tháo gỡ kịp thời.

Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng, quản lý thuế, hóa đơn điện tử... nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” (phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp để gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước).

Các chuyên gia cho rằng, cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng khi các cơ quan chức năng phát hiện hành vi gian lận. Đồng thời, ngành Thuế nên ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa, số hóa trong tiếp nhận, giải quyết, chi hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm bảo đảm minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng, chống, ngăn chặn gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cùng với đó là thanh tra chủ động, rà soát chuỗi các doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với doanh nghiệp hoàn thuế trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế, từ đó sớm xác định rủi ro, phân loại chính xác trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau; kiểm tra trước, hoàn thuế sau; qua đó đẩy nhanh thời gian hoàn thuế và tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận. Đây được coi là chủ trương quan trọng trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2024.