Xã hội

Chiêm ngưỡng "hổ mang chúa" SU-30MK2 xuất kích huấn luyện bay đêm

Theo Dân trí 22/12/2023 09:13

Để tham gia ban bay đêm cùng SU-30MK2, đòi hỏi trình độ các phi công phải đạt hạng cấp 3 trở lên và có ít nhất 400 giờ bay huấn luyện.

bay-dem1.jpg
Mặt trời vừa lặn, tiếng động cơ phản lực của "hổ mang chúa" SU-30MK2 rền vang trong hangar sân bay Kép (Bắc Giang), các phi công Trung đoàn Không quân 927 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã sẵn sàng cho ban bay đêm. Đây là một trong những nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên và bắt buộc đối với các Trung đoàn Không quân được quản lý, khai thác, sử dụng tiêm kích chiến đấu hiện đại bậc nhất Việt Nam.
bay-dem2.jpg
Đội ngũ kỹ thuật hàng không chuẩn bị và kiểm tra kỹ thuật máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 trước khi bàn giao cho phi công. Cùng lúc, các phương tiện chuyên dụng của ngành hậu cần tiến hành tra nạp dầu, khí cho các máy bay sẽ tham gia ban bay đêm.
bay-dem3.jpg
Ban bay đêm đòi hỏi trình độ là các phi công cấp 3 trở lên, có ít nhất 400 giờ bay huấn luyện. Bên cạnh những đòi hỏi về trình độ phi công, ban bay còn phải làm tốt công tác hiệp đồng giữa các lực lượng chỉ huy, thông tin, kỹ thuật dưới mặt đất.
bay-dem4.jpg
Trước đó, vào 16h cùng ngày, chuyến bay khí tượng đã bay khảo sát và hạ cánh. Qua đó, chỉ huy bay xác định thời tiết thực tế và họp bàn cho phép đơn vị bay theo kế hoạch.
bay-dem-5a.jpg
bay-dem-5b.jpg
17h30, trời bắt đầu chạng vạng và tối dần, lần lượt các tiêm kích SU-30MK2 của 3 lượt chuyến đầu tiên xuất kích, cất cánh lên bầu trời thực hiện huấn luyện bay đêm.
bay-dem-5c.jpg
Mỗi chiếc SU-30MK2 được trang bị hai động cơ AL-31FP có lực đẩy lên đến 12 tấn, loại động cơ này có khả năng điều chỉnh luồng phụt giúp máy bay cơ động hơn trong các tình huống. Đặc biệt, mỗi khi máy bay tăng lực để cất cánh tạo thành những quầng lửa phụt ra mạnh mẽ ở đuôi, thường dễ quan sát thấy trong các chuyến bay đêm.
bay-dem6.jpg
Chỉ sau đó ít phút sau khi cất cánh, trời tối rất nhanh, mắt thường chỉ còn thấy thấp thoáng bóng đen của "hổ mang chúa" SU-30MK2 trên nền trời xám. Lúc này phi công điều khiển máy bay tiêm kích SU-30MK2 thực hành các bài bay huấn luyện trên không theo kế hoạch bay.
bay-dem7.jpg
Bài tập hạ cánh giả định là một phần trong mỗi chuyến bay đêm. Phi công tiếp cận đường băng ở độ cao thấp, thả càng rồi sau đó tiếp tục tăng vòng quay động cơ và bay vút lên. Đây là kỹ thuật lái thể hiện trình độ cao và bản lĩnh vững vàng, được các phi công bay đêm của Trung đoàn Không quân 927 thực hiện thuần thục.
bay-dem8a.jpg
bay-dem8b.jpg
Sau khoảng 30 phút huấn luyện trên không, phi công điều khiển máy bay hạ cánh xuống đường băng kết thúc lượt chuyến. Ở đầu đường băng hạ cánh, 3 đèn chiếu sáng công suất lớn rọi dọc đường băng để hỗ trợ phi công tiếp đất chính xác và an toàn.
bay-dem9.jpg
Khi mỗi chiếc máy bay vừa hạ cánh, lăn về hangar, đội ngũ kỹ thuật hàng không lại nhanh chóng tiếp nhận máy bay, nắm tình trạng máy bay từ phi công để hiệu chỉnh kịp thời, bảo đảm máy bay đủ điều kiện tham gia chuyến bay tiếp theo.
bay-dem10.jpg
Lặp lại công đoạn ban đầu, đội ngũ kỹ thuật nạp dầu, bàn giao máy bay cho phi công, hướng dẫn phi công lăn ra đường băng thực hiện chuyến bay kế tiếp.
bay-dem11.jpg
12 lượt chuyến ban bay đêm chia làm 4 đợt, mỗi đợt có 3 tiêm kích tham gia bay huấn luyện. Mỗi lượt chuyến cất, hạ cánh chỉ cách nhau chưa đầy 5 phút. Tiêm kích SU-30MK2 đang là là hạ xuống đầu đường băng, ngay lúc đó, một tiêm kích khác đã được nổ máy, rời hangar chuẩn bị xuất phát.
bay-dem12.jpg
21h30, sau 13 lượt chuyến (tính cả chuyến bay khí tượng đầu tiên), ban bay đêm của Trung đoàn Không quân 927 đã thành công tốt đẹp. Đặc biệt, một phi công cấp 3 đã hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra huấn luyện và được thăng hạng lên phi công cấp 2.

Ngày 1-12-1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Không quân chiến đấu 927, trang bị và sử dụng máy bay MiG-21, trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, lấy sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) làm căn cứ đóng quân, do vậy Trung đoàn được mang tên "Đoàn không quân Lam Sơn".

Ngày 3-2-1972, Trung đoàn chính thức tổ chức lễ ra mắt tại sân bay Nội Bài, và từ đó Trung đoàn lấy ngày này làm ngày kỷ niệm truyền thống của Trung đoàn.

Tính từ khi thành lập đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc (tháng 1-1973), Trung đoàn đã xuất kích 209 lần chiếc, đánh 63 trận, bắn rơi 43 máy bay các loại của Không quân Mỹ (Trong đó có một máy bay B52), bắt sống 23 giặc lái, chiếm hơn 50% tổng số máy bay Mỹ bị Không quân Việt Nam bắn rơi năm 1972, góp phần cùng với lực lượng Phòng không - Không quân cả nước bẻ gãy ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ, đập tan "Thần tượng pháo đài bay B52" và cái gọi là "Uy thế của không lực Hoa Kỳ".

Sau ngày giải phóng miền Nam, Trung đoàn tiếp tục cơ động từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, bảo vệ biên giới Tây Nam và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại, chuẩn bị tiếp thu khí tài mới, ngày 11-11-2016, Trung đoàn đón chiếc máy bay SU-30MK2 đầu tiên mang số hiệu 8586 từ Sân bay Thọ Xuân về hạ cánh tại Sân bay Kép, đánh dấu bước chuyển mình mới của Trung đoàn về mọi mặt.

Với những chiến công và thành tích đạt được, Trung đoàn Không quân 927 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 lượt tập thể và 16 cá nhân của Trung đoàn và đã từng công tác tại Trung đoàn được phong và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.