Chốt giá phi vụ lớn
Lại một lần nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đặt điều kiện tiên quyết cho một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất những thủ tục pháp lý quốc gia cuối cùng cho NATO kết nạp Thụy Điển làm thành viên mới. Ông Erdogan tuyên cáo những điều kiện mới này ngay sau chuyến thăm Hungary.
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là hai thành viên còn lại của NATO chưa để cho Thụy Điển bước vào NATO. Thủ tướng Hungary Viktor Orban không đặt ra điều kiện tiên quyết như ông Erdogan, thậm chí còn quả quyết rằng Hungary sẽ không phải là thành viên cuối cùng phê chuẩn việc NATO kết nạp Thụy Điển, nhưng vẫn không hé lộ khi nào mới để cho NATO thu nạp Thụy Điển vào hàng ngũ thành viên.
Ông Orban và ông Erdogan hết lời ngợi ca kết quả chuyến thăm Hungary vừa rồi của ông Erdogan và đề cao mối quan hệ giữa Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ như thế thì làm sao loại bỏ được cảm nhận và ấn tượng của bên ngoài về chủ ý của hai người này cùng nhau tạo thành cặp bài trùng có khả năng quyết định đến khi nào Thụy Điển mới được đứng trong hàng ngũ của NATO.
Đối với ông Orban, thực chất cuộc chơi ở đây là với Liên minh châu Âu (EU) chứ không phải với NATO. Hiện tại, người này khá đơn thương độc mã trong EU sau khi ở Ba Lan có sự thay đổi chính phủ. Thụy Điển là thành viên EU như Hungary trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là thành viên NATO. Tất cả những thành viên EU ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và bản thân Thụy Điển vì thế không thể quá găng với Hungary và không thể không tranh thủ ông Orban trong EU. Chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO thì chừng ấy ông Orban còn thời gian để chơi cuộc chơi này với EU.
Đối với ông Erdogan, sau khi Thụy Điển chịu đáp ứng những điều kiện tiên quyết của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển thì bây giờ là cuộc chơi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thành viên NATO, trước hết là Mỹ và Canada.
Những điều kiện tiên quyết mới của ông Erdogan là Mỹ phải bán máy bay tiêm kích hiện đại F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Canada cùng các thành viên NATO khác phải dỡ bỏ biện pháp chính sách cấm vận xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Cả ở đây cũng thấy Thổ Nhĩ Kỳ chơi con bài dùng thời gian để gây áp lực tới NATO. Quốc hội Mỹ hiện tại vốn không thuận với việc cung ứng loại máy bay tiêm kích hiện đại nói trên cho Thổ Nhĩ Kỳ và nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm tới ở Mỹ thì không loại trừ NATO sẽ gặp bất lợi lớn.
Ông Erdogan hiện lợi dụng Mỹ như thế nào để gây áp lực đối với NATO thì ông Trump rồi đây cũng có thể lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ để gây khó cho EU. Cho nên không có gì là khó hiểu khi NATO và Thụy Điển phải nỗ lực để việc Thụy Điển gia nhập NATO hoàn tất trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.
Việc Thụy Điển gia nhập NATO quan trọng đối với NATO và Thụy Điển nhưng không quan trọng bằng việc có được vũ khí quân sự mới để tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm thái độ và cách hành xử của ông Orban trong chuyện này giúp ông Erdogan không đơn lẻ và bị cô lập trong NATO, lại còn đồng thời giúp ông Erdogan đề cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.
Ông Erdogan lại vừa chốt giá mới trong phi vụ lớn này và chẳng có gì bảo đảm đây sẽ là lần chốt giá cuối cùng. Nội bộ NATO đứng trước khả năng tiếp tục rạn nứt.