Sẵn sàng nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết 2024
Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp Tết khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Dự trữ đầy đủ hàng hóa
Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả và đưa đến các hệ thống phân phối.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Central Retail đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, khi dự báo sức mua dịp Tết sẽ tăng cao.
Tương tự, để chuẩn bị cho các dịp mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, WinCommerce đã làm việc với các nhà cung cấp để thu mua sản lượng lớn từ 2 đến 3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ: “Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò, chả, trái cây... Đơn vị đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20% đến 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường”.
Triển khai nhiều chương trình kích cầu
Để phục vụ nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).
Đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, từ tháng 9-2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, trong đó, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định. Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình trong khoảng 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, đặc sản của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thị trường phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, Saigon Co.op dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa.
Còn Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân thông tin, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa Tết, mở rộng lượng hàng dự trữ cũng như hậu cần, Central Retail tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu trong dịp Tết nhằm kích cầu tiêu dùng, ổn định giá cả thị trường. Chuỗi bán lẻ của tập đoàn sẽ áp dụng khuyến mại liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12-2023...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Không để đứt hàng, khan hàng, thổi giá
Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 10% đến 13% so với năm trước. Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chủ động kết nối, khai thác hàng hóa, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao để nâng giá, trục lợi bất chính.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Chuẩn bị đủ lượng, bình ổn đúng lúc
Những năm qua, chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng thị trường, những đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đều là những doanh nghiệp đầu ngành, có quy mô lớn, chiếm thị phần cao, thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Tham gia chương trình bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của doanh nghiệp.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các sở, ngành, doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ lượng hàng hóa tham gia chương trình, kéo dài thời gian bình ổn nhất là những thời điểm quan trọng; phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa hàng bảo đảm chất lượng về phục vụ người dân; mở rộng mạng lưới phân phối đưa hàng bình ổn giá đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp… nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Bà Nguyễn Minh Châm (phố Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm):
Mua hàng bình ổn giá, giảm đáng kể chi tiêu
Bắt đầu từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Bên cạnh niềm vui tăng lương, người dân lại canh cánh nỗi lo hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng giá.
Thời gian qua, để kiềm chế giá cả hàng hóa, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng, giảm giá, khuyến mại, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ thường xuyên triển khai chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhằm san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người dân.
Vì vậy, từ nhiều năm nay, tôi luôn tìm đến những chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại tại các siêu thị để mua các mặt hàng với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm... Là người nội trợ, thường xuyên đi chợ lo bữa ăn hằng ngày, việc mua hàng bình ổn giá giúp gia đình tôi giảm đáng kể tiền chi tiêu, yên tâm về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa…
Quang Minh ghi