Pakistan sử dụng mưa nhân tạo nhằm giảm mức độ ô nhiễm không khí
Theo Guardian ngày 21-12, mưa nhân tạo đã được sử dụng trong nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm không khí ở Lahore, Pakistan.
Thành phố thủ phủ của tỉnh miền đông Punjab gần biên giới Ấn Độ có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới và trở nên cực kỳ ô nhiễm do dân số ngày càng tăng, hiện đã lên hơn 13 triệu người.
Đến đầu tháng 12, chất lượng không khí trong thành phố trở nên tồi tệ đến mức trường học, chợ và công viên phải đóng cửa trong 4 ngày. Cuối tuần trước, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố đã đạt đến mức được coi là cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, cuối tuần qua, chính quyền Punjab đã sử dụng phương pháp gieo hạt trên đám mây để tạo mưa ở 10 địa điểm quanh thành phố bằng máy bay Cessna nhỏ.
Vào mùa hè, muối ăn thông thường trộn với nước được phun lên các đám mây từ máy bay. Sau vài giờ, sương mù hòa nhập với mây và tạo ra mưa. Vào mùa đông, các đám mây được gieo hạt bằng các mảnh iodua bạc, có thể được bắn ra từ máy bay. Phương pháp này đã được sử dụng để gây mưa ở một số quốc gia ở Trung Đông, cũng như Trung Quốc và Ấn Độ.
Bilal Afzal, Bộ trưởng phụ trách môi trường của tỉnh cho biết, việc gieo hạt trên đám mây đã thành công nhưng thừa nhận lượng mưa rất ít. Tuy nhiên, chất lượng không khí ở Lahore đã được cải thiện, AQI giảm từ hơn 300 xuống 189. Dẫu vậy, lợi ích từ hành động này chỉ kéo dài vài ngày trước khi mức độ ô nhiễm trở lại mức trước đó.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khí hậu cảnh báo, tác động của việc gieo hạt trên đám mây có thể khó lường.
Tiến sĩ Ghulam Rasul, người đứng đầu chương trình biến đổi khí hậu tại Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế và cựu Tổng Giám đốc Cục Khí tượng Pakistan cho biết: “Quá liều có thể dẫn đến mưa đá hoặc mưa xối xả”. Ông đồng ý rằng, việc làm mưa nhân tạo có thể giúp giảm khói bụi tạm thời, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững và có thể tạo ra điều kiện rất khô, có thể khiến sương mù và khói bụi trở nên dai dẳng hơn.
Những giải pháp như vậy có thể khiến con người không tập trung vào việc giải quyết các nguồn khói bụi như giao thông, khí thải công nghiệp, đốt cây trồng và chất thải... Bộ trưởng Bilal Afzal thừa nhận: “Ngành công nghiệp vận tải chịu trách nhiệm cho 50% lượng khí thải ở Lahore” và cho biết, chính phủ đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này.