Công nghệ

Những kinh nghiệm của các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023

Thu Hằng 21/12/2023 - 18:28

Sáng 21-12, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) đã diễn ra sự kiện “Chào tương lai: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023”. Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ ba.

Được tổ chức ngay sau đêm công bố giải thưởng, buổi giao lưu có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023 chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng như con đường đến với khoa học phụng sự nhân loại.

gs-khush-2-844.jpg
GS Gurdev Singh Khush.

Dành cả đời mình cho lúa gạo

Chủ nhân của Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển”, GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS Võ Tòng Xuân (Việt Nam) chia sẻ câu chuyện dành cả đời mình cho lúa gạo.

GS Gurdev Singh Khush cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nông nghiệp, thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều nơi thiếu đói, đặc biệt là châu Á. Ở Ấn Độ, mỗi năm phải nhập 10 triệu tấn ngũ cốc để cung cấp lương thực cho người dân.

“Động lực nghiên cứu của tôi là làm thế nào để tạo ra giống lúa cho năng suất cao hơn, sao cho nhà nào cũng có gạo ăn. Muốn tạo ra năng suất cao hơn phải thay đổi các giống cây trồng, giảm thời gian trồng và thu hoạch, giảm chiều cao của cây. Trước đây, cây cao 1,5m nhưng sau chỉ cao 20-30cm; trước thời gian cây sinh trưởng từ hạt phải 3 tháng nhưng sau chỉ 2 tháng... Nhờ thế, thay vì trồng 1 vụ, nhà nông trồng được 2-3 vụ thông qua rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng mùa vụ khai thác, tăng 30% năng suất, tăng cơ hội sản xuất lúa gạo toàn cầu. Điều này giúp các nước không còn sợ nạn đói và có thể tự cung tự cấp lương thực. Ấn Độ từ chỗ phải nhập 10 triệu tấn lương thực/năm, nay đã tự bảo đảm lương thực cho toàn dân, từ đó đóng góp cho cách mạng xanh” - GS Gurdev Singh Khush chia sẻ.

Theo GS Gurdev Singh Khush, còn nhiều thách thức trong lai tạo giống lúa. Hiện, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng năng suất, có thể làm giảm năng suất 10% nên rất cần các giống lúa thích nghi điều kiện khí hậu tốt hơn, ít bị tác động bởi ngập nước, chịu hạn, ngập mặn, hấp thụ được nhiều vitamin, chất. Một thách thức khác là khi con người ăn nhiều cơm, gạo dẫn tới nguy cơ tiểu đường thì làm sao giảm khả năng hấp thụ các chất dẫn tới tiểu đường... Đó là nhiệm vụ của các nhà khoa học.

z6_06925.jpg
GS Võ Tòng Xuân tại buổi giao lưu.

Là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân tâm sự, ông yêu nghề nông từ nhỏ. Thấy cuộc đời người nông dân rất cực khổ do thiếu lương thực nên ông muốn học thật tốt để có thể làm được gì cho chính quê hương mình. Không chỉ tìm giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, mà còn lan tỏa thành công cho nhiều nước trên thế giới, góp phần củng cố an ninh lương thực.

“Hiện giờ, thế hệ lúa mới giúp Việt Nam có đủ chất lượng lúa gạo. Việt Nam đã có giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, ngon cơm và thơm nhưng đang tiến tới mức cao hơn để tăng năng suất bằng cách đưa loại gen trồng bông lúa lớn hơn. Các nhà lai giống lúa đang cố gắng tìm gene cho năng suất cao. Diện tích đất không nở ra, nên mình phải tìm giống cây lương thực có năng suất cao hơn trên mỗi diện tích đang có” - GS Võ Tòng Xuân bày tỏ.

GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân cho biết, cả hai ông đều có chung mục đích là sử dụng số tiền giải thưởng trị giá 500 nghìn USD để phát triển tương lai của ngành khoa học lúa gạo, như phát triển những giống lúa mới, phù hợp hơn với môi trường và biến đổi khí hậu; hỗ trợ cho chương trình đào tạo phát triển năng lực về nông nghiệp cũng như về khoa học lúa gạo tại Việt Nam.

Kiên trì theo đuổi niềm đam mê

Là chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho "Nhà khoa học nữ", GS Susan Solomon (Mỹ) chia sẻ những khó khăn mà bà gặp phải trong quá trình nghiên cứu.

gs.-susan-solomon-10-.jpg
GS Susan Solomon.

Phát hiện đầu tiên của bà là giải thích cơ chế tại sao lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực lại xảy ra. Và nó liên quan đến lĩnh vực hóa học. Đây là một cú sốc trong cộng đồng khoa học. Bởi vì người ta luôn cho rằng, không có phản ứng bề mặt ở tầng bình lưu. Vì vậy, khi bà công bố phát hiện của mình, một số đồng nghiệp đã không ủng hộ. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì vì tin rằng mình đi đúng hướng. Và giờ, mọi người đã phải công nhận.

Theo GS Susan Solomon, bài học của bà là lắng nghe quan điểm của người khác, nhưng không phải lúc nào cũng dựa vào quan điểm đó, mà phải lắng nghe chính mình, kiên định với chính mình. "Là nhà khoa học, chúng ta không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình ở trong một ranh giới hữu hạn, mà luôn phải vượt qua ranh giới đó, luôn luôn suy nghĩ một cách cởi mở và thoáng hơn", bà nói.

Phương thức để vượt qua khó khăn trong công việc, với GS Susan Solomon là “luôn luôn cố gắng, bình tĩnh và giữ khiếu hài hước”. Bà cũng đưa ra lời khuyên với các nhà khoa học nữ, đó là: “Nếu muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học thì hãy bảo đảm rằng, người bạn đời mà bạn chọn phải là người luôn ủng hộ và hỗ trợ bạn theo đuổi hành trình của mình”.

x6_06673.jpg
Quang cảnh buổi giao lưu.

Trên hành trình trở thành nhà khoa học thành công, các nhà khoa học không tránh khỏi những lúc trải qua thất bại. GS Akira Yoshino, một trong những chủ nhân của Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) 2023 cho biết, kinh nghiệm vượt qua thất bại của ông là luôn duy trì động lực nghiên cứu, tin rằng nghiên cứu này sẽ mang tới thành công tương lai.

Đồng thuận với ý kiến này, GS Daniel Joshua Drucker (Canada) - một trong những chủ nhân của Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” cho biết, thất bại là rất bình thường trong nghiên cứu khoa học, nên để giải tỏa, ta phải có cuộc sống bên ngoài, như là chơi với mèo, sum họp gia đình... "Đó là đệm đỡ khi ta vấp ngã” - GS Daniel chia sẻ.

Còn với PGS Svetlana Mojsov (Mỹ), điều quan trọng là phải tìm ra đam mê để theo đuổi. Có nhiệt huyết đó thì dù thất bại cũng không nản lòng mà vẫn kiên trì theo đuổi đam mê.