Các vùng rau Hà Nội vào vụ Tết
Chỉ còn khoảng gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, để chuẩn bị nguồn cung về rau cho người tiêu dùng Thủ đô, các hộ sản xuất, hợp tác xã đang hối hả chăm sóc, thăm đồng từng ngày để thu hoạch các lứa rau bán ra thị trường.
Chuẩn bị cho thị trường cuối năm
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Sáng (ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) tập trung thu hoạch lứa bắp cải bán từ nay đến Tết Nguyên đán và chăm sóc hơn một sào rau thơm và rau xà lách. Đây là những loại rau ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng chỉ từ 30-45 ngày. Do đó, nông dân trên địa bàn xã trồng gối vụ, vừa thu hoạch cho dịp Tết Dương lịch sắp tới, chuẩn bị xuống giống thu hoạch cho dịp Tết Nguyên đán bán ra thị trường.
“Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ rau lớn nhất trong năm, nếu thuận lợi, giá bán rau ổn định thì chúng tôi sẽ có thêm thu nhập mua sắm trong dịp Tết”, ông Đoàn Văn Mạnh cho biết thêm.
Đang tỉ mỉ chăm sóc vườn rau su hào, ông Phạm Văn Nhạn (ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) tranh thủ tưới cho hơn một sào rau. Loại rau gia đình ông trồng để cung cấp cho thị trường Tết là su hào. Để rau đạt sản lượng và chất lượng, mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, gia đình ông đều phải ra ruộng để tưới nước cho rau. Nếu thời tiết lạnh từ nay đến Tết Nguyên đán thì rau củ sẽ rất được giá. Với hơn một sào rau su hào sẽ mang về cho gia đình khoảng 6-7 triệu đồng. Còn đối với các loại rau khác như súp lơ, bắp cải, nếu trời lạnh cũng sẽ đưa về nguồn thu cao cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, từ đầu tháng Mười Âm lịch hằng năm, nông dân đã bắt đầu xuống giống những loại rau dài ngày và cuối tháng Mười Một sẽ xuống giống những loại rau ngắn ngày. Để phục vụ cho người dân dịp trong và sau Tết Nguyên đán, toàn huyện Thường Tín gieo trồng khoảng hơn 1.000ha rau các loại như: Su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, rau thơm...
Hiện nay, các loại rau màu trên địa bàn huyện phát triển ổn định, dự kiến trong dịp Tết có thể cung cấp ra thị trường vài nghìn tấn rau xanh các loại.
Nhận định về nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, trong các tháng Tết, người dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng khoảng 15% so với tháng bình thường.
Trong khi đó, Hà Nội chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại đưa từ các tỉnh, thành phố lân cận về tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, vụ đông năm nay, Hà Nội gieo trồng 28.512ha gồm rau các loại, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây trồng, đặc biệt là cây rau, nên lượng rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Hiện nay, các vùng trồng rau màu trên địa bàn thành phố tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mặc dù thời tiết những ngày cuối năm đôi lúc diễn biến thất thường nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của nông dân, nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu khá thuận lợi. Tuy nhiên, để bảo đảm đầu ra tốt, nông dân cần sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, toàn huyện có 140ha rau an toàn, trong đó, 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc…
Ngay từ khi vào vụ đông trồng rau, huyện khuyến cáo nông dân cần tập trung sản xuất theo tín hiệu thị trường; khuyến khích nông dân trồng đa dạng các chủng loại rau, sử dụng giống rau thế hệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp… tạo thuận lợi trong quá trình tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn Thanh Trì trên thị trường, tham gia các hội chợ để quảng bá tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, để chủ động nguồn cung rau xanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, ngay từ tháng 10 khi triển khai vụ đông, Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung gieo trồng đúng khung thời vụ, đặc biệt là mặt hàng rau xanh trồng đan xen cây ngắn ngày và dài ngày để thu hoạch đều trong các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật cho người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; làm nhà màng, nhà lưới để cung cấp nguồn rau xanh bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm ra thị trường.
Ngày Tết đang đến gần, những ruộng rau chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch xanh mướt trên cánh đồng báo hiệu bội thu, giúp người trồng rau thêm một cái Tết đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời xử lý khi có diễn biến bất lợi, mang lại mùa xuân trọn niềm vui, no ấm.