Y tế

Giải “bài toán” thiếu vắc xin, tránh bùng phát dịch bệnh

Thu Trang 20/12/2023 - 06:28

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 19-12, các đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng là vấn đề đáng lo ngại của ngành Y tế thời gian qua; nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh. Do đó, ngành Y tế đang tập trung giải "bài toán" này, phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cho 90% trẻ trong quý I-2024.

vac-xin.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại một cơ sở của Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Tỷ lệ tiêm chủng mới đạt 66,4%

Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Đến nay, chương trình đã cung cấp 10 loại vắc xin phòng các bệnh, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.

Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có 1,5 triệu trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 1993 luôn được duy trì ở mức trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2022, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ năm 2023, do thiếu một số loại vắc xin miễn phí nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi bị ảnh hưởng lớn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, vắc xin “5 trong 1” (phòng bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib) thiếu từ tháng 2-2023 đến nay và vắc xin DPT (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) thiếu từ tháng 4-2023. Nhiều vắc xin khác cũng chỉ có thể cung ứng đến hết tháng 10 năm nay. Hiện, tình trạng thiếu vắc xin xảy ra trên quy mô toàn quốc. Theo đó, kết quả tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong 10 tháng của năm 2023 trên quy mô toàn quốc chỉ đạt 66,4%. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất (đạt 48,6%), tiếp đến là miền Trung với 64,5%, miền Bắc là 67,3% và miền Nam là 69,1%.

Riêng tại Hà Nội cũng đang thiếu một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đơn cử như trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện thiếu một số loại vắc xin như: Viêm gan B, lao, sởi đơn, bại liệt (IPV)…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Đạo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên cho biết, do thiếu vắc xin nên các trạm y tế chỉ tổ chức 1 buổi tiêm/tháng.

“Có loại vắc xin đóng đơn liều nhưng cũng có nhiều vắc xin đóng đa liều. Chẳng hạn, nếu lọ vắc xin đóng 5 liều mà cả buổi chỉ có 2 trẻ đến tiêm sẽ rất lãng phí. Do đó, khi gộp đủ số lượng trẻ đáp ứng đủ số liều vắc xin, chúng tôi sẽ triển khai tiêm”, bác sĩ Phạm Phú Đạo lý giải.

vac-xin-1.jpg
Khám cho trẻ trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn.

Cần khẩn trương tiêm bù, tiêm vét

Các chuyên gia cảnh báo, ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện tiếp cận với vắc xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì nguy cơ sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể quay trở lại. Thực tế, thiếu vắc xin khiến việc tiêm chủng cho trẻ bị gián đoạn, dịch bệnh đã xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang và Điện Biên thời gian qua.

“Thực trạng tiêm vắc xin chậm, muộn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như của Việt Nam là điều không mong muốn xảy ra. Việc khẩn trương tiêm càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn cung vắc xin. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tiêm chủng mở rộng, phấn đấu trong quý I-2024 đạt độ bao phủ tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trên 90% do năm 2023 thiếu vắc xin. Từ đó, duy trì thành quả mà chúng ta đã dày công vừa xây đắp, vừa duy trì trong rất nhiều năm qua”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng nói.

Cũng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng, trong quý I-2024 sẽ tiếp nhận, phân bổ vắc xin kịp thời tới 63 tỉnh, thành phố để tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm vắc xin nhập khẩu và vắc xin sản xuất trong nước. Đồng thời, khẩn trương triển khai công tác tiêm bù mũi, tiêm vét cho trẻ em bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt là một số vắc xin phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông - xuân như sởi, rubella.

Ngoài 10 loại vắc xin miễn phí hiện có, sắp tới sẽ có thêm 4 loại vắc xin mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, từ quý II-2024, ngành Y tế chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Rota tại 33 tỉnh, thành phố. Đây cũng là vắc xin thứ 11 được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiếp theo sẽ ưu tiên đến vắc xin phế cầu và vắc xin HPV (phòng ngừa ung thư cổ tử cung) vào năm 2025, năm 2026 và vắc xin cúm mùa vào năm 2030.

Tiến sĩ Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế:
Bảo đảm cung ứng vắc xin trong năm 2024

Dự kiến tháng 1-2024, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc mua sắm các vắc xin được đặt hàng trong nước (10 loại) từ tháng 12-2023 theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6-2024. Theo đó, sẽ bảo đảm hoạt động cung ứng vắc xin năm 2024 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vắc xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện cung ứng vắc xin theo các quy định hiện hành; chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không cho dịch bệnh lây lan.

Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội:
Kịp thời bổ sung vắc xin cho trẻ theo đúng độ tuổi

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tiêm chủng và tuân thủ lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động. Đây cũng là một trong những phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đáng nói là, khi không có vắc xin tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vắc xin miễn phí thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện khả năng tiếp cận với vắc xin dịch vụ. Mới đây, Chính phủ Australia thông qua UNICEF đã viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin “5 trong 1” giúp bảo vệ trẻ em phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib). Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố được nhận vắc xin “5 trong 1” từ nguồn viện trợ này. Với số lượng vắc xin này, ngành Y tế Thủ đô sẽ tổ chức tiêm cả thứ bảy và chủ nhật để kịp thời bổ sung vắc xin cho trẻ theo đúng độ tuổi, đúng đối tượng, đúng liều theo quy định.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:
Lo ngại trào lưu “anti vắc xin”

Công tác trong lĩnh vực dự phòng y tế và theo dõi lĩnh vực này từ năm 1986 đến nay, tôi ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vắc xin trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Sự ra đời của vắc xin bại liệt, và sau đó hàng loạt vắc xin khác được phổ biến, đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại nước ta. Nhờ đó, các bệnh truyền nhiễm như: Bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng, thậm chí nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc bị triệt tiêu. Đáng buồn là trước mỗi trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin thì trào lưu “anti vắc xin” (tẩy chay vắc xin) lại nổi lên. Thế nhưng, hãy thử vào khoa truyền nhiễm của các bệnh viện nhi, chứng kiến các trẻ nhỏ nằm bất động vì cha mẹ quên tiêm hay không quan tâm đến việc tiêm chủng cho con mới thấy được hậu quả to lớn thế nào.

Xuân Lộc