VinFuture và nỗ lực kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại
Ngày 19-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” nhân Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ 3, Quỹ VinFuture tiếp tục tổ chức 2 phiên tọa đàm: “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” và “Trí tuệ nhân tạo - Tiềm năng đột phá và thách thức”.
Tại phiên tọa đàm buổi sáng, lựa chọn giao thông xanh là chủ đề với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm và sử dụng hiệu quả năng lượng xanh, cũng như các hành động cấp bách nhằm giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, VinFuture tiếp tục khẳng định uy tín cũng như vị thế quốc tế trong việc tập hợp những trí tuệ có tầm ảnh hưởng và chung tầm nhìn kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Trong tham luận “Vật liệu mới cho tương lai bền vững”, Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov (thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Thế kỷ Tan Chin Tuan tại Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, phải đầu tư để năng lượng xanh hơn khi chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện; trồng rừng để hấp thu khí thải, biến đổi gen động thực vật để cân bằng phát thải… Và cũng cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn.
Theo Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov, trong tương lai, con người có thể hoàn toàn thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch. Để giảm ô nhiễm toàn cầu thì ngành khoa học vật liệu phải phát triển vật liệu mới để sản xuất ra pin nhiên liệu. Pin làm sao tích được nhiều năng lượng để vận hành. Pin thể rắn có thể thay thế pin thể lỏng hiện tại... Đó là các vấn đề cần thảo luận nhiều hơn nữa.
Nói về năng lượng nguyên tử và hạt nhân, Giáo sư Daniel Kammen (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ) cho rằng, đấy là giải pháp hiệu quả trước đây nhưng giờ phải nghĩ về rủi ro và nguồn vốn xây dựng hạ tầng để sản xuất năng lượng này.
Để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội phát triển năng lượng xanh, theo Giáo sư Daniel Kammen, cần giúp mọi người hiểu những lợi ích mà công nghệ xanh mang lại; cần chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó; và cần thúc đẩy từ nhiều nguồn lực, nhất là kết nối, thuyết phục doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch.
Phiên tọa đàm buổi chiều “Trí tuệ nhân tạo (AI) - Tiềm năng đột phá và thách thức” có sự tham gia của nhiều nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới.
Tiến sĩ Xuedong Huang (thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom, Hoa Kỳ) đã trình bày về cách mà các công cụ AI sẽ tác động lên thị trường việc làm, gia tăng năng suất lao động, và biến đổi cách con người và máy tính kết nối với nhau.
Theo Tiến sĩ Xuedong Huang, hiện tại là thời khắc lịch sử, năng suất toàn cầu tăng nhanh hơn nhiều các cuộc cách mạng trước đây. “Tôi tin đây là cơ hội đột phá thay đổi lịch sử. Cho dù bạn ở đâu, quốc gia nào thì đều có tiềm năng. Nếu nắm bắt được cơ hội này thì chúng ta, dù là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có cơ hội để đổi mới’, Tiến sĩ Xuedong Huang bày tỏ.
Giáo sư Leslie Gabriel Valiant (thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giáo sư T.Jefferson Coolidge về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ) cho rằng, AI là cơ hội để tạo bình đẳng cho tất cả. Có thể ứng dụng AI trong giảng dạy, đào tạo máy móc theo nhu cầu con người.
“AI là công nghệ mạnh như hóa học vật lý hạt nhân, đều sử dụng cho mục đích tốt và xấu. Nó đơn thuần là công nghệ. Vấn đề nóng là bảo đảm an toàn cho AI, bảo đảm AI được sử dụng với mục đích tốt. Muốn vậy, phải kiểm soát sản xuất, trao đổi về ứng dụng AI có trách nhiệm, chung tay để giảm rủi ro”, Giáo sư Leslie Gabriel Valiant nhấn mạnh.