Giáo dục

Cần tiêu chuẩn nào để trở thành kỹ sư APEC?

Thu Hằng 19/12/2023 - 13:55

Sáng 19-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Liên đoàn các tổ chức Kỹ sư Đông Nam Á (AFEO) tổ chức hội thảo "Tiến trình gia nhập kỹ sư APEC: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn công tác đào tạo các ngành kỹ thuật khu vực ASEAN và APEC".

zalo.jpg
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Ngọc Linh phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết: Liên đoàn Kỹ sư APEC là một tổ chức uy tín quy tụ các kỹ sư từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc gia nhập liên đoàn này có thể mang lại nhiều lợi ích cho các kỹ sư và các tổ chức khoa học và công nghệ, các hội ngành kỹ thuật, bao gồm khả năng tiếp cận các thị trường mới, cơ hội kết nối và chia sẻ kiến thức cũng như chuyên môn với các chuyên gia khác.

Theo báo cáo của VUSTA, hiện nay, Việt Nam có 639 kỹ sư thuộc các ngành nghề khác nhau đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Việt Nam khuyến khích chuyển đổi thành kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Do các quốc gia ASEAN đều có định hướng hội nhập với khu vực rộng hơn là khối APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), nên đã thống nhất xây dựng hệ thống đăng bạ mới phù hợp hơn với hệ thống đăng bạ kỹ sư của APEC.

zalo-1-.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Năm 2023, VUSTA có chủ trương nghiên cứu, tham gia các cơ chế hội nghề nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm kết nối và tạo điều kiện để kỹ sư Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn nghề nghiệp cấp APEC. Thỏa thuận có giá trị thừa nhận lẫn nhau về trình độ của kỹ sư APEC do Liên đoàn Kỹ thuật quốc tế (IEA) đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện ở các nền kinh tế APEC, trong đó hiện nay đã có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được chuẩn của thỏa thuận APEC.

Các chuyên gia cho rằng, tham gia đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN hay APEC mang lại khá nhiều cơ hội cho kỹ sư, các cơ sở đào tạo kỹ sư và cả đơn vị sử dụng kỹ sư. Tuy nhiên, còn một số thách thức, như yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn chuyên môn của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế; khắc phục rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng làm việc theo nhóm; đặc biệt là yêu cầu tuân thủ chính sách về phát triển nghề liên tục (hằng năm các kỹ sư chuyên nghiệp phải tiếp tục học tập, nghiên cứu, giảng dạy, hành nghề...).

Giáo sư Norlida Buniyamin, Chủ tịch Viện Kỹ sư Malaysia (IEM), Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Kỹ sư Đông Nam Á (AFEO) cho biết, để trở thành kỹ sư APEC cần đáp ứng các yêu cầu: Tại thời điểm đăng ký, cần đạt mức học tập tương đương với sinh viên tốt nghiệp có bằng kỹ sư được công nhận bởi một tổ chức thành viên chính thức và phù hợp với các điều khoản của Thỏa thuận Washington; được đánh giá trong nước là đủ điều kiện để hành nghề độc lập; có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm hành nghề kể từ khi tốt nghiệp; có ít nhất 2 năm phụ trách công tác kỹ thuật; duy trì phát triển nghề nghiệp liên tục theo quy định.