Quỹ NAFOSTED: Tạo môi trường nghiên cứu khoa học hiệu quả
Trong suốt 20 năm hoạt động, 15 năm triển khai tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nghiên cứu khoa học.
Sự ra đời của Quỹ được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch
Trước yêu cầu thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năm 2003, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) được thành lập. Sau 5 năm hoàn thiện hành lang pháp lý, đến năm 2008, quỹ chính thức triển khai hoạt động tài trợ, hỗ trợ.
Với tôn chỉ hoạt động bảo đảm cao nhất về chất lượng nghiên cứu và thực hiện đánh giá, xem xét tài trợ một cách khách quan, hoạt động của NAFOSTED đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng các nhà khoa học.
Tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: “Cách đây 7 năm, khi tôi quyết định về nước, mọi thứ rất khó khăn, gần như khoản tài trợ của NAFOSTED là nguồn kinh phí đáng kể duy nhất giúp các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ như tôi tiếp tục duy trì nghiên cứu và bước đầu gây dựng nhóm nghiên cứu ORLab (một nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Phenikaa). Đối với nhiều nhà nghiên cứu trẻ, đề tài NAFOSTED là một minh chứng thắp lên hy vọng rằng, ở Việt Nam tồn tại một nền khoa học công nghệ được vận hành một cách bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch”.
Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ NAFOSTED Phạm Đình Nguyên cho biết, với kinh phí tài trợ, hỗ trợ hằng năm chỉ khoảng 2% tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ thực hiện khoảng từ 300 đến 400 đề tài nghiên cứu cơ bản, 30-50 đề tài nghiên cứu hướng ứng dụng, 100-200 hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.
Từ nguồn tài trợ này, mỗi năm có khoảng 1.500-2.000 nhà khoa học ở 200-300 trường đại học, viện nghiên cứu được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với nhà khoa học trong nước và quốc tế, đóng góp hơn 50% công bố khoa học quốc tế của Việt Nam. Quỹ bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế.
Bên cạnh các hoạt động tài trợ, Quỹ NAFOSTED là cơ quan thường trực tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tiên phong ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu, ban hành danh mục tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo hướng nâng cao chất lượng xét chọn tài trợ và kết quả nhiệm vụ quỹ tài trợ...
Phấn đấu để trở thành địa chỉ tin cậy
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức trong hoạt động quản lý điều hành của quỹ.
Theo Nghị định số 19/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2014/NĐ-CP, cơ chế cấp kinh phí, quản lý tài chính đối với quỹ thay đổi tương ứng với cơ chế giao dự toán hằng năm, dẫn đến tiến độ cấp kinh phí cho quỹ (cả kinh phí tài trợ, hỗ trợ và kinh phí hoạt động quản lý) chậm đáng kể. Trong 2 năm (2021, 2022), quỹ không tài trợ đề tài mới trong Chương trình nghiên cứu cơ bản. Năm 2023, tài trợ được nối lại nhưng con số ngân sách của quỹ chưa đến 300 tỷ đồng.
GS.TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, 300 tỷ đồng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam mỗi năm là con số quá nhỏ. Muốn nền khoa học phát triển thì nhà nước cần phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, còn nếu đầu tư cầm chừng là lãng phí.
Hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số quỹ tư nhân đầu tư cho khoa học với những khoản tài trợ vượt trội so với NAFOSTED cùng các quy định tài chính thông thoáng hơn. Mặt khác, năng lực hội nhập giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể chạm đến nhiều quỹ quốc tế hơn.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, thời gian tới, Quỹ NAFOSTED cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành theo đúng thiết kế là một cơ quan tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ chuẩn mực quốc tế, thu hút và tiếp nhận được nguồn kinh phí cả từ trong và ngoài ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng được các đặc thù trong hoạt động triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ, vừa bảo đảm hiệu quả tài trợ, hỗ trợ... Quỹ cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành, minh bạch trong hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi đối với các nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ.