Kỷ niệm 77 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023):Phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
Trong thời khắc đặc biệt, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc, huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn quân, toàn dân.
77 năm trôi qua, phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, thành phố Hà Nội nói chung, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước thì thực dân Pháp lại rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vừa kiên trì kháng chiến để bảo vệ Nam Bộ, đồng thời tìm cách hòa hoãn không để xảy ra chiến tranh trong phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 để có thêm thời gian chuẩn bị trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Thế nhưng, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, trắng trợn vi phạm các hiệp định đã ký. Đặc biệt, ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô...
Trước âm mưu và hành động xâm lược đó, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ thành quả cách mạng. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.
Đáp lại Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến. Đúng 20h ngày 19-12-1946, công nhân Nhà máy Ðiện Yên Phụ phá máy. Đến 20h3, đèn điện trong thành phố vụt tắt. Pháo của lực lượng ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào các vị trí của địch. Đó cũng là tiếng súng phát lệnh mở màn toàn quốc kháng chiến; toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” và với tư thế đàng hoàng, tự tin, không hề nao núng.
Với bom ba càng, chai xăng, vũ khí thô sơ, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” suốt 60 ngày đêm (từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947), với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, quân và dân Hà Nội kiên cường chiến đấu, giam chân địch trong thành phố, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào ra khỏi thành phố, di chuyển máy móc ra vùng tự do, để cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Xây dựng lực lượng vững mạnh
Phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.
Để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Các cơ quan, đơn vị không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Công tác sắp xếp, kiện toàn lực lượng thường trực được tiến hành thường xuyên, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, quân số hợp lý, chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng chính trị tốt, tỷ lệ đúng chuyên môn quân sự; sẵn sàng huy động, động viên khi có tình huống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao…
Bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với lực lượng thường trực và “cơ bản, thiết thực, hiệu quả” đối với dân quân tự vệ, các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện phù hợp với đặc điểm tình hình, bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian, chương trình, ứng trực xử lý tốt các tình huống trên địa bàn; chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ, phát triển Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô nguyện đoàn kết, sáng tạo, kế thừa và phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần xây dựng, bảo vệ Thủ đô Hà Nội bình yên để phát triển, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.