Xã hội

Cao điểm phòng, chống tệ nạn xã hội dịp cuối năm

Phú Cường 18/12/2023 - 11:44

Tệ nạn xã hội (TNXH) vốn đã diễn biến phức tạp, càng cuối năm lại càng có biểu hiện phức tạp hơn. Góp phần bảo đảm an toàn cho người dân, cộng đồng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tập trung cao điểm phòng, chống TNXH dịp cuối năm 2023; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cho năm 2024.

Lĩnh vực nào cũng “nóng”

Việc đấu tranh phòng chống TNXH luôn có nhiều cam go, thử thách, thậm chí hiểm nguy, càng về cuối năm càng “nóng”, nhất là với ma túy.

Cần quan tâm, các chất ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống, thuốc lá điện tử... tiếp tục len lỏi ở nhiều nơi, “tấn công” vào giới trẻ bằng những cách tinh vi. Có thể kể đến đường dây bơm chất ma túy vào thuốc lá điện tử, sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội do đối tượng Lê Anh Thơ, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cầm đầu bị khởi tố vụ án, khởi tố, tạm giam 6 bị can.

Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện “chiêu trò” mà đối tượng Thơ cùng đồng bọn sử dụng là dùng mạng xã hội để liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài và đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử. Khi có nguyên liệu, các đối tượng bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi sản xuất thành phẩm, dán nhãn thuốc lá điện tử Ampire Chill, thuốc lá điếu Dominix. Để tạo “uy tín”, chúng tự giới thiệu các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy và có chế độ “bảo hành”, đổi trả cho các sản phẩm bị lỗi…

Ngoài vụ việc nêu trên, qua công tác điều tra, lực lượng công an tiếp tục phát hiện chất ma túy xuất hiện trong các gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Yaoyao hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “Chali”…, rao bán online, bán trực tiếp tại nhiều nơi có đông người trẻ…

ma-tuy-the-he-moi.jpg
Cac cơ quan chức năng phát hiện ma túy thế hệ mới "núp bóng" đồ uống, người dân cần đề cao cảnh giác.

Cũng liên quan đến ma túy, gần đây, qua các hoạt động ra quân tuần tra, các lực lượng chức năng còn phát hiện một số trường hợp vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy. Chẳng hạn, chiều 4-12, khi thực hiện nhiệm vụ tại đường Văn Khê thuộc địa phận phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), lực lượng chức năng thấy một nam thanh niên khả nghi. Tiến hành kiểm tra, các bên phát hiện đối tượng mang theo một số gói ma túy methaphetamine. Tiếp đó, ngày 16-12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Tây Hồ) phát hiện đối tượng di chuyển qua địa bàn quận mang theo chất ma túy…

Về mại dâm, dịp này, các cơ quan chức năng phát hiện, đưa một số vụ việc ra “ánh sáng”. Gần đấy nhất, chiều 15-12, tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện Hoài Đức) kiểm tra hành chính một nhà nghỉ trên địa bàn đã phát hiện một đôi nam nữ có hành vi mua bán dâm. Qua khai thác, đôi nam nữ khai được môi giới bởi đối tượng từ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), làm nhân viên cho một quán hát cho nhau nghe ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ…

Nạn mua, bán người cũng được cảnh báo diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tìm kiếm việc làm của giới trẻ tăng lên để lấy tiền chi tiêu tết. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa để bản thân không rơi vào tình huống rủi ro, không may trở thành nạn nhân của nạn mua bán người…

Phòng từ sớm, ngăn từ xa

Góp phần bảo đảm an toàn cho người dân, cộng đồng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang tập trung cao điểm phòng, chống TNXH. Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy, mại dâm, mua bán người vào dịp cuối năm 2023 cũng như dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, giúp mỗi người dân có thể nhận diện rõ những rủi ro tiềm ẩn, từ đó chủ động phòng ngừa.

Theo hướng này, ngày 14-12 vừa qua, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng nhận biết và phòng tránh các loại ma túy “thế hệ mới” xâm nhập học đường đến đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An Vũ Hạnh Nguyên cho biết, từ những kỹ năng được trang bị, đội ngũ giáo viên sẽ khéo léo lồng ghép tuyên truyền về tác hại của ma túy, cách nhận biết, cách phòng tránh ma túy thông qua các giờ học chính khóa, ngoại khóa đến đông đảo học sinh nhà trường.

Tương tự, đầu tháng 12-2023, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Trường THCS Kim Chung (xã Kim Chung) tổ chức tuyên truyền về phòng, chống TNXH đến hơn 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Cũng trong tháng 12 này, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội chủ động trang bị kỹ năng phòng, chống TNXH đến học sinh, sinh viên.

ba-dinh.jpg
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội chú trọng trang bị kỹ năng nhận biết các loại ma túy cho học sinh.

Tại cộng đồng, các cơ quan chức năng, địa phương liên tục phổ biến, nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, nghi ngờ có chứa chất ma túy; không nên tin vào những lời quảng cáo giới thiệu việc làm “việc nhẹ, lương cao” xuất hiện tràn lan vào dịp trước Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, với gia đình có thành viên độ tuổi học đường, người lớn nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con, cháu; nên đồng hành với các thành viên trẻ trong việc học tập, mối quan hệ giao tiếp với bạn bè, xã hội để hạn chế những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân nghi có hành vi nghi ngờ tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, môi giới mại dâm, lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng việc làm…, người dân hãy chủ động thông báo, tố giác đến cơ quan chức năng gần nhất (thông tin của người tố giác được giữ kín).

Nhằm củng cố vững chắc hơn mạng lưới phòng, chống TNXH từ cộng đồng, với trách nhiệm quản lý nhà nước, từ cuối năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người năm 2024, trình UBND thành phố ban hành các kế hoạch trong thời gian sớm nhất. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương có phương án bảo vệ cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.

Đáng chú ý, từ năm 2024, Hà Nội sẽ tăng mức chi cho nhiều vị trí tham gia phòng, chống ma túy theo Nghị quyết “Quy định một số nội dung chi và mức chi công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Với kinh phí khoảng 56 tỷ đồng/năm, hy vọng mạng lưới nhân sự làm công tác phòng, chống ma túy nói riêng, phòng, chống TNXH nói chung sẽ phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm, góp phần phòng từ sớm, ngăn từ xa nguy cơ TNXH thâm nhập đời sống cộng đồng.