Thực hành văn hóa đối thoại
Sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với nhau là một trong những cơ sở để xây dựng một tập thể cấp ủy và tổ chức Đảng đoàn kết, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Tăng cường đối thoại để hóa giải mâu thuẫn, thắc mắc là giải pháp quan trọng hàng đầu để đạt được điều ấy.
1. Đối với bất kỳ cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nào, đoàn kết là yếu tố quyết định sự ổn định, phát triển. Mất đoàn kết là mất tất cả. Nhưng đoàn kết không tự dưng mà có, đoàn kết cần không ngừng được chăm lo, vun trồng, bồi đắp. Muốn xây dựng đoàn kết nhất định phải thường xuyên xử lý các vấn đề gây mất đoàn kết. Những vấn đề thường xuyên gây mất đoàn kết nhất là mâu thuẫn về lợi ích, là chuyện thị phi, không hiểu nhau dẫn đến nghi ngờ nhau. Mà nghi ngờ là thứ độc hại nhất. Những vấn đề nảy sinh sự nghi ngờ có khi chỉ từ những luồng dư luận khác nhau, những tin đồn thất thiệt không được giải thích kịp thời.
Thực tế, không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức trở nên mất ổn định, mất đoàn kết vì những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên nêu ra, những thông tin “tả pín lù” không được kịp thời quan tâm trao đổi, đối thoại để làm rõ, định hướng ngay. Nhân viên không tin lãnh đạo; lãnh đạo ngại tiếp xúc, đối thoại làm cho khoảng cách ngày càng lớn. Có những vấn đề, chỉ cần lãnh đạo trao đổi, thẳng thắn thông tin công khai sẽ làm yên dư luận. Nếu người đứng đầu ngại đối thoại làm cho cán bộ, đảng viên vốn đã tâm tư càng trở lên băn khoăn, lo lắng. Khi ấy hàng loạt câu hỏi không có lời đáp, những phán đoán vô căn cứ được đặt ra như “Sao thế nhỉ, chắc có vấn đề mới không dám nói, thấy sai nên sợ, sợ thì mới không dám công khai...”. Một khi lòng người ly tán, nghi ngờ thì họ rất dễ bị lôi kéo tạo bè, kết cánh vào nhóm nọ, thành nhóm kia từ đó mà mất đoàn kết.
Trong khi đó, nhiều cơ quan có sự đoàn kết vững chắc nhờ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên. Mỗi khi có ý kiến, kiến nghị phát sinh là kịp thời tổ chức trao đổi, giải quyết ngay. Thậm chí, khi mới manh nha những băn khoăn, thắc mắc, lãnh đạo đã công khai trao đổi, làm rõ. Nhờ đó, tập thể đi đến nhận thức chung về các vấn đề liên quan, ổn định, đoàn kết.
Nhận thấy ý nghĩa sâu sắc và sự cần thiết của đối thoại để giữ vững đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, trung ương và Thành ủy Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo về vấn đề này từ nhiều năm qua. Năm 2017, Thành ủy Hà Nội đã có Quyết định số 2200-QĐ/TU ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. Ngày 18-2-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân”.
Lãnh đạo trung ương và thành phố còn thường xuyên lưu ý, nhắc nhở các cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc tình hình dư luận, kịp thời đối thoại, giải thích để đi đến thống nhất khi có các ý kiến khác nhau, nhất là bắt đầu triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới.
2. Vì vậy, đối với mỗi cấp ủy tổ chức Đảng, trước hết là với người đứng đầu, tổ chức đối thoại cần trở thành việc làm thường xuyên, không chỉ thực hiện theo định kỳ, mà phải được tiến hành ngay khi cần thiết. Đối thoại phải được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu để giải quyết, xử lý các vấn đề có ý kiến khác nhau trong nội bộ các tập thể. Đối thoại cần trở thành văn hóa trong tổ chức hoạt động, trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
Để làm được điều đó, cấp ủy tổ chức Đảng cần tích hợp việc thực hành văn hóa đối thoại vào quy chế làm việc, quy trình công tác của cơ quan, đơn vị; nêu cụ thể các mức độ, hình thức, nội dung, quy mô đối thoại mỗi khi có vấn đề mới phát sinh.
Muốn sử dụng hiệu quả biện pháp đối thoại, cấp ủy tổ chức Đảng phải tổ chức được công tác nắm bắt tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng cán bộ, đảng viên; hình thành cơ chế, cách thức tổng hợp, phân tích thông tin làm căn cứ để quyết định có đối thoại hay không, quy mô, cách thức tổ chức đối thoại ra sao.
Đối thoại cần phải dựa trên nền tảng của pháp luật và các quy định của Đảng, cũng như dựa trên trí tuệ, lẽ phải, dân chủ, cởi mở, công khai, minh bạch. Để đối thoại thành công, khâu chuẩn bị có ý nghĩa quyết định. Không chỉ chuẩn bị đầy đủ văn bản, các cơ sở lý luận và thực tiễn, người tham gia đối thoại phải có kỹ năng trình bày sáng rõ các vấn đề, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục. Chính vì lẽ đó, khi xây dựng kế hoạch hoặc tổ chức thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, các cấp ủy tổ chức cần thiết phải thường xuyên đưa kỹ năng đối thoại vào nội dung, chương trình. Đây là kỹ năng càng ngày càng cho thấy sự quan trọng, cần thiết, nên được quan tâm đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Đồng thời, để đối thoại thành công, người tham gia đối thoại cần xác định tâm thế vì cái chung, sẵn sàng hạ bớt cái tôi cá nhân, xóa bỏ định kiến, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ. Chỉ có như thế, những quan điểm khác biệt mới có thể xích lại gần nhau, những mâu thuẫn mới có thể hóa giải.