Xung quanh kiến nghị tại Khu đô thị mới Thanh Hà: Nỗ lực tìm tiếng nói chung
Khách hàng không được tự xây dựng công trình dù trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thể hiện bên mua được phép tự xây; chủ đầu tư yêu cầu bên mua nộp tiền xây dựng với giá cao khi chưa có sự thương thảo về giá, chưa ký phụ lục hợp đồng với bên mua...
Đây là phản ánh của người dân mua đất tại lô B1.1 Khu đô thị mới Thanh Hà A, Thanh Hà B (gọi chung là Khu đô thị mới Thanh Hà) lên Đường dây nóng Báo Hànộimới. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị, chủ đầu tư dự án đang tập trung giải quyết, nỗ lực tìm tiếng nói chung để lô B1.1 sớm được triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thanh Hà được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) cho phép đầu tư xây dựng từ năm 2008. Chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5. Dự án chia thành nhiều lô quy hoạch. Quá trình triển khai, chủ đầu tư đã để xảy ra một số sai phạm nên dự án phải tạm dừng trong nhiều năm.
Tuy nhiên, với nỗ lực khắc phục tồn tại của chủ đầu tư, ngày 31-10-2023, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 502/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét, xử lý vi phạm, tồn tại tại Khu đô thị mới Thanh Hà. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội cho phép chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thanh Hà tiếp tục triển khai các quy trình, thủ tục theo quy định để đầu tư xây dựng các công trình thuộc đối tượng miễn cấp phép xây dựng… Cụ thể, lô đất B1.1 Khu đô thị mới Thanh Hà đủ điều kiện được triển khai.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, chủ đầu tư đã triển khai các bước để chuẩn bị thi công khoảng 400 công trình nhà ở liền kề, biệt thự… tại lô B1.1. Thế nhưng, vừa bắt tay vào triển khai, hàng trăm người mua đất tại lô B1.1 đã không đồng tình với cách làm của chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn T. - người mua một suất đất tại lô B1.1 cho biết, năm 2017, gia đình ông đã mua lô đất với mục đích xây dựng nhà ở. Theo hợp đồng chuyển nhượng, ông được phép tự xây nhà, nhưng mới đây lại nhận thông báo chủ đầu tư triển khai xây dựng toàn bộ nhà ở thấp tầng tại lô B1.1. Đồng thời, chủ đầu tư yêu cầu ông lên ký phụ lục hợp đồng xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt ngoài nhà ở trong khi hai bên chưa có sự bàn bạc, thống nhất.
Còn ông Đào Văn B. (tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, ông nhận được thông báo của chủ đầu tư mời lên ký phụ lục hợp đồng xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt ngoài nhà ở; thông báo nộp tiền với giá xây dựng rất cao. Không đồng tình với cách triển khai của chủ đầu tư, ông B. và nhiều chủ đất tại lô B1.1 đã làm đơn gửi chủ đầu tư, yêu cầu làm rõ vì sao các hộ không được tự xây dựng công trình tại lô B1.1?; yêu cầu được thương thảo về giá xây dựng trước khi ký phụ lục hợp đồng; cung cấp bản vẽ thiết kế kỹ thuật công trình, dự toán xây dựng…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới liên quan đến phản ánh của người dân, Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng và phát triển dự án (Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5) Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, lãnh đạo công ty đã tổ chức đối thoại với khoảng 100 chủ đất nhằm làm rõ những phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc xây dựng tại lô B1.1. Tại buổi đối thoại, các kiến nghị của người dân về việc tự xây dựng công trình; về giá xây dựng; về thương thảo giá xây dựng trước khi ký phụ lục hợp đồng… đã được hai bên làm rõ, người dân đồng thuận. Đến nay, chủ đầu tư đã giao bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán thi công cho các chủ đất nghiên cứu, trên cơ sở đó hai bên sẽ bàn bạc, thương thảo để đưa ra mức giá xây dựng hợp lý nhất.
“Sau buổi đối thoại, đa số người dân mua đất tại lô B1.1 đều thống nhất để chủ đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật. Sau khi thống nhất được mức giá xây dựng, hai bên sẽ ký phụ lục hợp đồng. Rất mong người dân hợp tác để chủ đầu tư sớm khởi công xây dựng tại lô B1.1 theo chỉ đạo của UBND thành phố”, ông Hoàng Anh Tuấn thông tin thêm.