Nghị quyết và Cuộc sống

Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp 18/12/2023 - 07:17

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV ban hành ngày 10-11-2022 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Việc thực hiện dân chủ là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với mỗi địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt

Ngày 24-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kế hoạch yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến và tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các địa phương, đơn vị rà soát các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật.

Là đảng viên tích cực tuyên truyền về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sen Trì, xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) Hoàng Văn Đảm chia sẻ: “Bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền quán triệt và triển khai thực hiện. Ngoài các nội dung cơ bản của Luật, các hội nghị tập trung quán triệt sâu vào chương 2 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, có 35 điều (từ Điều 11 đến Điều 45)”. Qua quán triệt, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được nâng cao. Thực hiện dân chủ là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, thống nhất ở địa phương, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định thông tin, UBND quận đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị và UBND 21 phường trên địa bàn tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình hành động tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cũng gắn với các nội dung của công tác dân vận chính quyền, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả.

“Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường vai trò chủ động của thủ trưởng, người sử dụng lao động, đồng thời phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các quy định của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa vào các quy định, quy chế nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phù hợp. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ theo hướng trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, đồng chí Lê Tuấn Định khẳng định.

Để Luật đi vào cuộc sống

Sở Tư pháp là đơn vị trực tiếp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh cho biết, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị rà soát các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-STP ngày 2-6-2023 triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan. Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố, Sở đã chủ trì tổ chức tập huấn kiến thức cho gần 300 báo cáo viên về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là phối hợp với cơ quan báo, đài của Trung ương và thành phố tăng cường truyền thông về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô để hiểu và triển khai thực hiện hiệu quả.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà cho rằng, để thực hiện hiệu quả Luật cần gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực thuế, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai… “Tiếp tục chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, quan tâm đến loại hình quản lý trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, công tác thuế, góp phần bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công và nguồn thu cho ngân sách thành phố”, đồng chí Vũ Hà nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu các đơn vị khi tổ chức hội nghị cán bộ, công chức vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 phải đưa nội dung triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào chương trình công tác. Trong đó, các đơn vị phải sớm ban hành kế hoạch thực hiện Luật cho hiệu quả, thiết thực; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của cấp ủy Đảng, chính quyền.