Sách

"Đường đời muôn nẻo" của nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Trang Thùy 18/12/2023 - 06:58

Có câu "văn là người", điều này mỗi lần có dịp gặp nhà văn Nguyễn Khắc Phê, tôi đều thầm công nhận. Văn của Nguyễn Khắc Phê rất phong phú, giàu ý, sâu sắc, thân tình lẫn dí dỏm, như cách ông trò chuyện với người đối diện, tạo nên sự gần gũi và thiện cảm.

khac-phe.jpg
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cùng tập tạp bút và phê bình “Đường đời muôn nẻo”.

Ở trên độ tuổi "thất thập cổ lai hy", nhà văn Nguyễn Khắc Phê vẫn rất nhiều năng lượng sáng tác. Các bài viết của ông tuần tự xuất hiện trên các tờ báo lớn với nhiều lĩnh vực, đề tài khác nhau. Không kể những tác phẩm trước đó đoạt được nhiều giải thưởng có giá trị, gần đây khi đã 80 tuổi, ông còn in 5 cuốn sách dày trên 200 trang như “Chuyện cũ nghĩ thêm trò cười nên bớt”, “Những trang sách thức tỉnh con người”. Và mới đây nhất là tập tạp bút và phê bình “Đường đời muôn nẻo”.

Ngay từ "Lời ngỏ" mở đầu cuốn sách của chính tác giả, người đọc đã cảm nhận lối hành văn dí dỏm không lẫn với ai. Nó đặc trưng "Nguyễn Khắc Phê" như cách nói chuyện của ông ở ngoài đời: "Đến tháng Tư năm 2024 tôi mới lên 85 tuổi... Trời cho đầu óc còn tỉnh táo, tay còn gõ bàn phím được, chẳng lẽ chơi game, vô mạng suốt ngày. Thế là lại đọc và viết...". Rồi đến “Người tuổi Mèo kể chuyện năm Mão”, tác giả làm người đọc phì cười bởi những dòng giới thiệu thú vị: "Trải đời đến 7 "nhiệm kì"... mang niên hiệu Mão, lên tuổi 84 (muốn cho vui thì nói ngược là 48 tuổi!) chẳng hy vọng được "cơ cấu" vào "ghế" nào nữa, nhưng sau mấy chục năm hăng hái "khắc phê" cả trăm cuốn sách của bè bạn, cũng đã đến lúc nhìn lại cuộc đời và "tự phê", biết đâu bạn trẻ xem và sẽ rút kinh nghiệm".

Đúng như lời tác giả "tự phê", ông đã rất trung thực, thẳng thắn nhìn lại những ngày "đầu nhiệm kỳ Mèo" của mình, khi đó là "cậu bé 12 tuổi con nhà giàu học giỏi" vì lòng tham và cả ghen tỵ làm mờ mắt đã đánh cắp cá của bạn nghèo, nhưng tự đáy lòng đã biết xấu hổ, chẳng dám khoe khoang, mặt "tiu nghỉu như mèo cắt tai".

Kể cả chuyện day dứt khi đi tàu bị "tắc" 2 - 3 ngày, vì lo hai con bị đói nên khi một người bạn đường hỏi xin muối ông đã nói "Không có!". Những câu chuyện tưởng chừng rất bé mọn nhưng đó lại là những lời "tự phê" rất đỗi chân thật của Nguyễn Khắc Phê.

Tập sách “Đường đời muôn nẻo” được chia thành hai phần: Phần đầu là những bài tạp bút với nhan đề mượn từ một câu trong truyện Kiều "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Phần hai là những bài phê bình văn học của tác giả, và phần phụ lục là một số bài phê bình, cảm nhận của các bạn văn dành cho những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Đọc Nguyễn Khắc Phê, bạn đọc không chỉ cảm mến những dòng văn hóm hỉnh mà chỉn chu, giàu ý mà không sa đà, mà còn thấy nhiều điều cần học hỏi thêm ở sự nhìn nhận sắc bén, uyên bác phong phú trong những giọng văn khác nhau, đặc biệt ở dòng bình sách của ông. Ông không chỉ giới thiệu kỹ lưỡng các tác phẩm nổi tiếng đương đại mà còn chú trọng viết về những nhân vật bao lâu nay vắng bóng trên văn đàn như Bùi Huy Tín, Nguyễn Khắc Thứ và nhiều cây bút trẻ khác.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Ông sinh năm 1939 tại Huế, quê quán ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông có hơn 20 đầu sách ở nhiều thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, lý luận phê bình. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.