Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để mở rộng không gian bán hàng, tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ.
Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của đại diện các cá nhân, doanh nghiệp đang áp dụng thành công mô hình này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - chủ cửa hàng lụa Phúc Hưng, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội:
Chuyển đổi số giúp lượng sản phẩm bán ra tăng gấp đôi
Trong thời đại 4.0, tôi đánh giá cao việc áp dụng chuyển đổi số trong các làng nghề, nhất là trong khâu quảng bá sản phẩm. Tại cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Phúc Hưng, từ năm 2014 chúng tôi đã xây dựng fanpage riêng, giúp khách hàng trong và ngoài nước có thể tiếp cận và tìm hiểu sản phẩm một cách dễ dàng. Những năm đầu áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh, do lượng khách hàng chưa thực sự nhiều, một số khách còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin... nên việc kinh doanh online gặp không ít khó khăn. Nhưng dần dần, việc áp dụng song song phương thức bán hàng truyền thống và áp dụng công nghệ đã tạo hiệu quả tích cực. Hiện tại, fanpage đã có hơn 31.000 lượt theo dõi, lượng sản phẩm bán ra gấp đôi so với khi chưa áp dụng. Chúng tôi dần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các nền tảng Facebook, Zalo..., lượng khách biết đến sản phẩm của gia đình tôi ngày càng nhiều. Năm 2018, chúng tôi bắt đầu triển khai bán hàng qua kênh livestream.
Tôi cho rằng, chuyển đổi số đối với các làng nghề mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là tiết kiệm chi phí. So với marketing truyền thống, marketing trực tuyến tốn ít chi phí hơn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ với ngân quỹ dành cho việc quảng cáo không nhiều. Tiếp đó, chuyển đổi số khiến người sản xuất dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu, khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, nhờ công nghệ, doanh nghiệp có thể dễ dàng biết được quảng cáo của mình xuất hiện ở những đâu, thời gian nào, có bao nhiêu người click vào quảng cáo, hiệu quả, tiến độ quảng cáo ra sao... Chính vì thế, để việc chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi hơn trong các làng nghề, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những lớp đào tạo bồi dưỡng cho đại diện các hộ kinh doanh về kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để họ có thể tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Từ những gì được đào tạo, các doanh nghiệp tại làng nghề sẽ tự tin áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm tận dụng tối đa sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để giúp cho các làng nghề trong nước ngày càng phát triển và tiệm cận với sự phát triển chung của thế giới.
Ông Chu Kiến Đảo - Chủ tịch Hội Làng nghề mộc Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất):
Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh
Thời gian gần đây, tại xã Chàng Sơn, nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ, những người nhanh nhạy trong việc nắm bắt công nghệ thông tin đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất đã được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên các trang fanpage, website, Facebook, Zalo... Sản lượng hàng hóa bán thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Sản phẩm của làng nghề Chàng Sơn đều làm từ gỗ nên nặng và khó vận chuyển, vì thế, việc giới thiệu sản phẩm trực tuyến sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển.
Nhờ công nghệ thông tin, chúng tôi và khách hàng dường như không còn khoảng cách. Thương mại điện tử chính là mảnh đất màu mỡ cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ bởi trong một thời gian rất ngắn họ có thể tiếp cận với một lượng khách hàng rất lớn, từ đó tăng cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn. Thêm vào đó, việc không phải thuê cửa hàng cũng khiến giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích kép cho cả người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn, tôi cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng hướng dẫn các làng nghề ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hướng dẫn người dân kiến thức về thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất trong làng nghề.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp - Thư ký Hiệp hội Văn hóa, Du lịch làng nghề huyện Thường Tín:
Cần có kiến thức để tránh “bẫy công nghệ”
Hiện nay, tại huyện Thường Tín, mỗi xã đều có một trang thông tin điện tử riêng và các làng nghề cũng đều xây dựng trang fanpage riêng trên mạng xã hội Facebook. Trang fanpage của Hiệp hội Văn hóa, Du lịch làng nghề huyện Thường Tín được coi là “cánh tay nối dài” giữa Hiệp hội với các làng nghề trên địa bàn huyện.
Theo tôi, việc áp dụng chuyển đổi số tại các làng nghề đã khiến việc tìm đầu ra cho các sản phẩm hiệu quả hơn. Đặc biệt, chuyển đổi số hỗ trợ rất tích cực cho người sản xuất tại các làng nghề tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước, thu hẹp khoảng cách giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số mới chỉ diễn ra ở một số làng nghề, lượng người tham gia đưa sản phẩm làng nghề lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản là do đa số các hộ sản xuất trong làng nghề đều là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế...
Chính vì thế, để việc áp dụng công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách hỗ trợ những hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề về công nghệ, mở các lớp đào tạo để người sản xuất nắm bắt được công nghệ, hiểu rõ các quy định nên làm và không nên làm khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là kiến thức để tránh “bẫy công nghệ”, không bị vi phạm bản quyền và sao chép sản phẩm.