Công nghiệp văn hóa

Định vị thương hiệu Thủ đô bằng di sản văn hóa ẩm thực:Ẩm thực gắn với văn hóa sáng tạo

Bảo Khánh ghi 17/12/2023 10:38

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của văn hóa ẩm thực Hà Nội, bên cạnh giải pháp phát triển loại hình du lịch ẩm thực, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, nên phát triển văn hóa ẩm thực như một bộ phận của công nghiệp văn hóa mà ở đó đề cao tính hội nhập, sáng tạo để ẩm thực Hà Nội có thể thích nghi và phát triển trong bối cảnh hiện đại.

Dưới đây là chia sẻ của một số chuyên gia với Hànộimới Cuối tuần.

y-kien-1.jpg

PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên (khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):

Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội

Trong dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa ẩm thực là một trong những mạch nguồn quan trọng và cần được phát huy hơn nữa để xứng tầm vị thế và tiềm năng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Một số gợi mở về phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, bao gồm: Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-02-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bằng việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo để các quận, huyện làm căn cứ triển khai nhiệm vụ.

Quảng bá điểm đến Hà Nội và văn hóa ẩm thực trên một số phương tiện truyền thông, hướng tới các thị trường mục tiêu. Xác định thị trường khách mục tiêu để xây dựng các chương trình quảng bá phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực, đồng thời quy hoạch, đầu tư xây dựng các "food tour" (du lịch trải nghiệm ẩm thực), sản phẩm văn hóa ẩm thực có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, Hà Nội đã quy hoạch một số tuyến phố ẩm thực, nhưng cần đầu tư một số sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc sắc, góp phần xây dựng thương hiệu, điểm đến Hà Nội trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

y-kien-2.jpg

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Ẩm thực - nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Hà Nội là thành phố có lịch sử lâu đời và ẩm thực nơi đây phản ánh ảnh hưởng của các nền văn hóa và truyền thống khác nhau - tạo nên sức thu hút lớn với du khách. Hà Nội ngày nay cũng là nơi hội tụ của những trào lưu ẩm thực mang tính toàn cầu. Hệ sinh thái ẩm thực ở Hà Nội được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả đầu bếp, người cung cấp nguyên liệu trong nước và quốc tế, các nhà hàng địa phương và đa quốc gia, cũng như người tiêu dùng.

Ẩm thực đóng góp vào các ngành công nghiệp văn hóa khác của thành phố như thời trang, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn… Nhiều địa điểm ẩm thực là nơi tổ chức các show nghệ thuật và âm nhạc. Nhiều nhà hàng, nhà cung cấp thực phẩm hợp tác với các nhà thiết kế địa phương để tạo ra những thực đơn đặc biệt, hoặc thiết kế những không gian nhà hàng sáng tạo, kết hợp biểu diễn và tích hợp các phong cách thời trang truyền thống, các triển lãm nghệ thuật trong nhà hàng... Những hình thức hợp tác này tạo ra bầu không khí sôi động và sáng tạo trong thành phố. Bằng cách này, ẩm thực góp phần vào tổng thể nền văn hóa sáng tạo của thành phố Hà Nội.

Ẩm thực là một phần trong bản sắc tổng thể của thành phố sáng tạo. Văn hóa ẩm thực Hà Nội phản ánh lịch sử, xu hướng hiện tại và tiềm năng tương lai của thành phố. Từ việc bảo tồn tập quán truyền thống đến thúc đẩy sự đổi mới, ẩm thực đóng góp tích cực vào kho tàng di sản đa dạng của nhân loại. Ẩm thực còn đóng vai trò như một xung lực văn hóa, phản ánh bản sắc của thành phố, đồng thời đóng góp cho nền kinh tế - xã hội và sức sáng tạo của các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Ẩm thực trở thành một phương tiện hữu hiệu để biểu đạt tính đa dạng về văn hóa Hà Nội và củng cố vị trí của nó trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp văn hóa.

y-kien-3.jpg

TS Phạm Mạnh Cường (Trưởng khoa Quản trị chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội):

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực để phát triển du lịch

Một trong những thách thức lớn của du lịch Hà Nội và du lịch Việt Nam liên quan tới nguồn nhân lực du lịch. Những năm qua, công tác đào tạo nhân lực du lịch nói chung và lĩnh vực ẩm thực trong du lịch nói riêng đã đạt được kết quả đáng lưu ý, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành Du lịch nước nhà. Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung và nhân lực lĩnh vực ẩm thực nói riêng, các cơ sở đào tạo cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra bằng cách rà soát, đánh giá lại chương trình đào tạo để đổi mới, sắp xếp lại nội dung, nên tập trung vào các môn học có kỹ năng thực hành. Cần xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế và phù hợp với chuẩn đầu ra.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành giỏi lý thuyết, thạo thực hành nghề nghiệp. Theo đó, cần nâng cao chất lượng giảng viên về tay nghề, phương pháp sư phạm bên cạnh yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Xây dựng chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa giảng viên với các nhà hàng, khách sạn lớn để giảng viên cập nhật kiến thức mới và nắm bắt thực tiễn thị trường.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. Ngoài phòng học lý thuyết được trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại, cần tổ chức các phòng học mô phỏng với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi phục vụ việc thực hành cho từng chuyên ngành.

Thứ tư, liên kết đào tạo với doanh nghiệp để tăng cường đào tạo thực hành cho người học, giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cần thiết như kỹ năng chế biến món ăn, bánh, pha chế đồ uống, làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi về công việc sau khi tốt nghiệp.

Thứ năm, tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực ẩm thực. Tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo hợp tác song phương và đa phương với các cơ sở đào tạo nước ngoài qua việc tranh thủ chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến, nguồn hỗ trợ; tiếp cận chuẩn đào tạo nghề nghiệp tiên tiến; trao đổi sinh viên, nhất là với các cơ sở đào tạo du lịch trong khối ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương...