Năm 2024 có còn xảy ra tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng?
Chiều 15-12, tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương đã trả lời về vấn đề thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài trong thời gian qua.
Cụ thể là thiếu vắc xin “5 trong 1” (ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib) từ tháng 2-2023. Ngoài ra, thiếu vắc xin phòng 3 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván) từ tháng 4-2023. Các vắc xin còn lại được cung ứng đến tháng 10 năm nay. Hiện nay, ghi nhận tình trạng thiếu vắc xin hầu hết địa phương trên quy mô toàn quốc.
Để bảo vệ trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là phòng các bệnh thông qua việc tiêm vắc xin “5 trong 1”, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực vận động các nguồn tài trợ. Tháng 7-2023, Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 250.000 liều vắc xin “5 trong 1”. Tối nay (15-12), tiếp tục nhận 490.600 liều vắc xin này do Chính phủ Australia viện trợ.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục tiếp nhận, kiểm định vắc xin một cách nhanh chóng để phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố.
Cũng theo bà Dương Thị Hồng, dù thời gian qua có hiện tượng thiếu vắc xin, nhưng số lượng trẻ được tiêm chủng trên quy mô toàn quốc vẫn đạt 66% tiêm chủng đầy đủ. Riêng với vắc xin “5 trong 1”, tỷ lệ này đạt 52,6%.
“Dù số lượng vắc xin cung ứng còn hạn chế nhưng hiện nay, nhiều bà mẹ đã cho con tiêm chủng dịch vụ với vắc xin có thành phần tương tự vắc xin “5 trong 1” trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nên độ bao phủ vẫn đạt”, bà Dương Thị Hồng lý giải.
Liên quan đến vấn đề thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng trong năm 2023, TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2023, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...
Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vắc xin cho chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Dự kiến tháng 1-2024, hoàn thành việc mua sắm các vắc xin đặt hàng trong nước (10 loại) trong tháng 12-2023 theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6-2024. Theo đó, sẽ đảm bảo hoạt động cung ứng vắc xin năm 2024 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vắc xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện cung ứng vắc xin theo các quy định hiện hành.
Bà Dương Thị Hồng cũng cho rằng, việc tiêm chậm, tiêm muộn là điều không mong muốn.
“Với các chính sách và các nỗ lực đang triển khai, năm 2024 sẽ giảm thiểu tình trạng như năm 2023”, bà Dương Thị Hồng kỳ vọng.