Yêu cầu mới với hàng Việt
Bộ Công Thương vừa cho biết, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi, thương hiệu và chất lượng sản phẩm trở thành yếu tố then chốt. Qua khảo sát, hơn 26,1% người tiêu dùng thường xuyên mua hàng của các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn nhưng sẽ lựa chọn sản phẩm chất lượng cao.
Điều này hoàn toàn phù hợp vì thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Song mặt khác cũng đặt ra yêu cầu mới với hàng Việt Nam.
Sau hơn 14 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam tiếp tục hiện diện ngày càng nhiều trên các kênh phân phối. Đặc biệt, tại các hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn 80-90%...
Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gia tăng, cạnh tranh của hàng nhập ngoại có chất lượng cao sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Tỷ trọng hàng nước ngoài trong hệ thống phân phối, nhất là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới có xu hướng tăng.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân của người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 tăng 8,5%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta tăng hơn 44%. Ước tính năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam vượt 180 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Theo Tổ chức ATKearney của Mỹ, thị trường bán lẻ Việt Nam xếp thứ 9/35 quốc gia về chỉ số phát triển. Do đó, sự cạnh tranh của hàng ngoại sẽ ngày càng lớn hơn, buộc doanh nghiệp trong nước phải có sự thay đổi, nắm bắt xu thế phát triển của thị trường để không thua trên “sân nhà”.
Muốn vậy, doanh nghiệp phải đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu thị trường, cho khâu thiết kế sản phẩm, đầu tư công nghệ mới và xây dựng thương hiệu. Đây là những yếu tố then chốt mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hiểu và thành công khi thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm tập trung tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu để tiếp cận được nguồn lực đầu tư, trình độ quản trị, làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ.
Ở thị trường trong nước, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối, hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước có ưu thế hiểu hơn ai hết thị hiếu, nhu cầu của người Việt Nam để xây dựng định hướng phát triển sản phẩm phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm về cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và tiêu dùng trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế…; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về cuộc vận động gắn với phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống phân phối, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa chất lượng cao và thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia…
Tại Chỉ thị số 03-CT/TƯ (ngày 19-5-2021) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng Việt Nam.
Với trách nhiệm và khát vọng, tin tưởng rằng, chúng ta sẽ có ngày càng nhiều hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam chất lượng và vươn tầm thế giới.