Kiềm chế lạm phát trong “tầm tay”
Khống chế đà tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu, là ưu tiên trong hoạt động điều hành vĩ mô nhằm ổn định đời sống, kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bất lợi, song nước ta vẫn đạt được thành công nổi bật, đó là kiềm chế lạm phát trong “tầm tay”, hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5%…
CPI trong tầm kiểm soát
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu trong tháng 11-2023 tăng khá thấp, dưới 0,5%, so với tháng 10-2023. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,9% làm CPI chung tăng 0,16%. Đây là nhóm có mức tăng cao hơn hẳn so với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Tuy nhiên, việc tăng giá của nhóm này cũng không đủ sức “kéo” lạm phát tăng cao đến mức đáng lo ngại.
Trong khi đó, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11-2023 giảm 0,01%, sau các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Trong tháng 11, giá xăng giảm 1,4%, giá dầu diesel giảm 7,14% là diễn biến thuận lợi, tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân, góp phần bảo đảm khả năng chi tiêu của xã hội. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với việc kìm hãm đà tăng CPI của tháng 11, bởi nhóm giao thông vốn chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, nhờ có sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ nên nhóm bưu chính - viễn thông vẫn tiếp đà giảm giá, tạo điều kiện để CPI giảm.
Như vậy, các diễn biến trên cho thấy, lạm phát hiện đang ở mức khá thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành giá tiêu dùng trong tháng cuối cùng của năm 2023.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả kiểm soát lạm phát trong thời gian qua là thành công lớn trong hoạt động điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Tập trung ổn định giá dịp cuối năm
Rõ ràng, nếu so với mục tiêu CPI tăng dưới 4,5% trong cả năm 2023 thì thực tế diễn biến CPI nói trên là ấn tượng, tránh được tâm lý lo ngại từ quản lý, điều hành tầm vĩ mô đến các địa phương, đơn vị.
Tuy vậy, vẫn chưa thể chủ quan và vẫn cần phân tích các yếu tố, tác động khách quan và chủ quan để chủ động hơn trong kiềm chế lạm phát, hướng tới kết quả tốt nhất.
Xét trên thực tế, hiện các loại rau xanh đang vào vụ cuối năm và phát triển tốt, cho sản lượng lớn và đều nên có thể đáp ứng nhu cầu xã hội liên tục với giá phải chăng. Lượng gạo cũng bảo đảm nguồn cung, đa dạng về chủng loại và giá bán nên tạo điều kiện tốt cho sự lựa chọn và tiêu thụ của người dân. Ngoài ra, sản lượng các loại thực phẩm nhìn chung cũng khá dồi dào, có thể cung ứng liên tục, bảo đảm cung - cầu trên diện rộng. Dự báo, nhóm hàng quan trọng hàng đầu này có tác động rất lớn đến lạm phát đang diễn biến khá thuận lợi và sẽ hỗ trợ việc kiềm chế đà tăng giá cuối năm - khi nhu cầu tiêu thụ thường tăng cao hơn các thời điểm khác.
Nhìn chung sức mua của xã hội cũng chưa được cải thiện đáng kể, thậm chí có nơi, có khu vực còn bị suy giảm. Tình trạng thiếu việc làm, khó khăn trong sản xuất cũng ảnh hưởng đến khả năng chi trả của một bộ phận người tiêu dùng. Do đó, mức cầu khó tăng đột biến trong tháng 12-2023.
Xét về tình hình thị trường năng lượng, nguy cơ bất ổn vẫn tiềm ẩn nhưng cũng khó có thể xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng, kích đẩy giá bán tăng đột biến trên bình diện thế giới. Đặc biệt, giá dầu thô giao dịch quốc tế có xu hướng dần hạ nhiệt vào dịp cuối năm sau khi tăng trong đầu quý III vừa qua. Mặt khác, do kinh tế thế giới phục hồi rất chậm, có lúc còn đứt quãng nên mức cầu xăng, dầu vẫn bị kìm nén, chưa thể tăng nhanh. Đó là nguyên nhân chính giúp giữ ổn định giá xăng, dầu bán lẻ trong nước. Trên thực tế, nếu giá xăng, dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%. Như vậy, khi giá xăng, dầu ổn định hoặc tăng thấp sẽ hỗ trợ kiềm chế CPI tăng trong tháng 12 cũng như tác động tích cực đến kết quả chung về kiểm soát lạm phát cả năm 2023.
Về công tác điều hành, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững an sinh xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sinh kế, việc làm cho người dân. Trong đó, xác định kiểm soát lạm phát một cách chủ động, có hiệu quả. Các bộ, nhất là Bộ Công Thương đang tập trung rà soát, kiểm tra thị trường nhằm phòng, chống các hành vi vi phạm, như buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ. Đặc biệt, thúc đẩy lưu thông, bảo đảm cung - cầu các nhóm hàng thiết yếu, có nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Dương lịch. Mục tiêu là bảo vệ sản xuất cũng như quyền lợi người tiêu dùng, tránh tăng giá đột biến nhằm khống chế đà tăng CPI.
Trước tình hình trên, các chuyên gia nhận định, mức lạm phát năm 2023 chắc chắn sẽ thấp hơn hẳn so với mức cho phép.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm:
Tác động tích cực đến sự ổn định kinh tế - xã hội
Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định năm 2023 Chính phủ đã thành công đối với mục tiêu khống chế, kiểm soát lạm phát. Đây là kết quả quan trọng, tác động tích cực đến sự ổn định kinh tế - xã hội, nhất là bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững an sinh xã hội. Trước hết, xét về yếu tố khách quan thì diễn biến thực tế có lợi cho việc khống chế đà tăng giá tiêu dùng do tổng cầu trong nước cũng như thế giới không cao, không tạo ra áp lực đối với nguồn cung. Ở thị trường trong nước thì giá cả một số nhóm hàng quan trọng như thực phẩm, lương thực hay rau, củ, quả dồi dào, sản lượng lớn nên góp phần bình ổn mức hàng hóa đưa ra thị trường.
Chính phủ đã rất chủ động và linh hoạt trong công tác điều hành, xác định vấn đề ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu bên cạnh bảo đảm các cân đối lớn. Trong đó có cả sự quyết đáp tỉnh táo, cho phép điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý ở thời điểm thích hợp đồng thời mức tăng giá cũng không cao. Đơn cử, giá điện tuy điều chỉnh 2 lần mức tăng giá chỉ là 7,5%.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Hữu Yên:
Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả
Tình hình giá cả, nhất là vấn đề nguồn cung nguyên, vật liệu cho sản xuất năm 2023 không quá gay gắt hay đột biến. Diễn biến thị trường xăng, dầu cũng không quá căng thẳng hay tăng cao ngoài dự báo và sức chịu đựng của doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này góp phần giảm gánh nặng về nguồn cung và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đối với doanh nghiệp. Tuy vậy vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp bị ngắt quãng, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc chậm phục hồi tiếp diễn ở một số nơi, đối với một số ngành.
Sự điều hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng là khá linh hoạt, hiệu quả, thông qua theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, đối chiếu để điều hành thị trường. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên cập nhật tình hình, lập kịch bản để đưa ra giải pháp ứng phó và làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ... Sự ổn định hoặc giá tiêu dùng chỉ tăng trong giới hạn như đã đề ra cũng là một thành công đáng ghi nhận của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, trong đó rất nhiều thách thức, bất lợi của năm 2023.
Bà Phạm Thị Hạnh, ngách 22/23 đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai):
Nguồn cung phong phú, giá cả phải chăng
Từ quan sát của người nội trợ, tôi thấy giá cả từ đầu năm đến nay không biến động nhiều. Nhóm hàng thiết yếu như ăn uống, thực phẩm và lương thực hoặc viễn thông hay giao thông vẫn khá bình ổn. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào, phong phú về chủng loại nên đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân.
Chúng tôi thường quan tâm, lo ngại nhiều về giá điện, xăng, dầu cũng như giá các mặt hàng liên quan đến giáo dục và đào tạo. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, cơ quan hữu quan chủ động rà soát các yếu tố liên quan, theo dõi tình hình chặt chẽ, đồng thời có biện pháp phù hợp và kịp thời để kiểm soát việc tăng giá, nâng cao hiệu quả quản lý trên diện rộng. Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại trên thị trường, nhất là vào các dịp lễ, Tết cuối năm để bảo đảm hàng hóa giá cả hợp lý, đạt chất lượng.
Anh Minh - Thanh Hiền ghi