Chính trị

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiến Thành 14/12/2023 16:24

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trong phiên họp tháng 3-2024 trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 5-2024).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Chiều 14-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 gồm 3 điều và phụ lục dự kiến các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Theo dự thảo Nghị quyết, trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 4 và tháng 8), xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

ubtvqh5.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình.

Phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ sáu và thứ bảy (tháng 6 và tháng 11) được xác định là phiên họp thường kỳ hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm thực hiện quy định.

Các phiên họp tháng 4, tháng 8, bố trí theo hướng tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật vào đầu tháng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm thời gian cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, kịp trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan; tổ chức phiên họp thường kỳ vào nửa cuối của tháng và sắp xếp, bố trí thời gian tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng.

ubtvqh6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2024, tuy nhiên, qua rà soát công việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị điều chỉnh sớm 1 tháng, xem xét tại phiên họp thường kỳ thứ 31 (tháng 3-2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân bổ thời gian cho các nội dung khác…

Cơ bản nhất trí về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập đến một số nhiệm vụ trong phiên họp thứ 29 (tháng 1-2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải chuẩn bị rất tích cực như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1-2024 thì còn chưa đến 1 tháng để chuẩn bị các nội dung này, nếu không tập trung thì khó có thể bảo đảm chất lượng các dự án Luật này, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một luật khó, có nhiều vấn đề mới, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn chỉnh về mặt nội dung và các vấn đề lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại không bảo đảm tiến độ và chất lượng vì có nhiều vấn đề cần làm rõ thêm đối với các nội dung này.

ubtvqh7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Quan tâm đến phiên họp thứ 29 (tháng 1-2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tinh thần phiên họp tháng 1-2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác thì lùi lại sang tháng 2-2024. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không bảo đảm thì lùi lại đến kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến, trước mắt là nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp bất thường vào tháng 1-2024 sắp tới.