Xử lý chiếm dụng điểm đặt thiết bị thể dục ngoài trời: Đồng bộ nhiều giải pháp
Điểm lắp đặt thiết bị thể dục ngoài trời góp phần tạo nên nét văn hóa, văn minh tại các khu dân cư. Tuy nhiên, nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn “sạn” khi đang bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.
Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm này.
Quy định một đằng, thực tế một nẻo
Những năm gần đây, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều điểm lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời. Tại những điểm này đều treo biển nội quy hoạt động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường; không phơi quần áo, chăn màn; nghiêm cấm bày bán hàng và sử dụng sân không đúng mục đích... Song quy định một đằng, thực tế một nẻo.
Phố Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) là nơi tập trung nhiều khu tập thể cũ, giữa các khối nhà là sân chơi chung và được UBND quận Đống Đa lắp đặt thiết bị thể dục ngoài trời. Do nằm trong khu vực thuận lợi cho việc buôn bán nên có sân bị người kinh doanh sử dụng một phần làm nơi để đồ (sân đối diện nhà B2-B3); một số diện tích biến thành điểm kinh doanh hàng ăn, uống.
Điển hình là điểm lắp đặt dụng cụ thể dục trước khu tập thể nhà C2 phố Vĩnh Hồ. Điểm này có chiều ngang hẹp, nhưng vẫn bị nhiều người bán hàng ăn kê kín bàn ghế phục vụ thực khách. Cùng với đó, nhiều hàng quán treo biển quảng cáo, trở thành không gian riêng của một số cửa hàng ăn, uống.
Hình ảnh tương tự cũng có thể bắt gặp ở khu lắp đặt điểm thiết bị thể thao ở đường Hà Trì (quận Hà Đông); sân nhà B8 Kim Liên (quận Đống Đa), Khu công viên hồ Cần (thuộc quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai)... Còn tại điểm đối diện số nhà 163 phố Trích Sài (quận Tây Hồ), một phần sân trở thành nơi tập kết xe rác, khiến không ai dám đến tập thể dục... Tại những điểm này, hoạt động kinh doanh hàng ăn, uống diễn ra cả ngày, chiếm dụng phần lớn không gian của người tập thể dục...
Trong khi điểm lắp đặt dụng cụ thể dục tại sân nhà B1-B2 và B2-B3 Vĩnh Hồ được giữ ngăn nắp, sạch sẽ, thì điểm đối diện nhà B2-B3 lại có nhiều rác, đồ gia dụng bị vứt bỏ... Đặc biệt, nhiều điểm bị tận dụng làm sân phơi quần áo, chăn màn, để xe máy, như: Sân nhà B1-B2, C4-C5 (ngõ 43A phố Thái Thịnh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa)...
Cần sự sát sao của chính quyền cơ sở
Thừa nhận một số tồn tại nêu trên, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Ngô Vân Anh cho biết, các điểm lắp đặt thiết bị thể dục phần lớn diện tích nhỏ, nằm trong khu dân cư đông đúc nên khó tránh khỏi việc bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, gây mất mỹ quan đô thị. Phường đã nhiều lần xử lý vi phạm ở những điểm này, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn. Phường đã yêu cầu đại diện tổ dân phố lập biên bản hộ vi phạm để nhắc nhở, chấn chỉnh, là căn cứ để bình bầu thi đua cuối năm...
Cũng là phường có nhiều điểm lắp đặt thiết bị thể dục ở sân chơi khu tập thể Vĩnh Hồ, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) chia sẻ, trên địa bàn phường có 10 điểm lắp đặt thiết bị thể dục ngoài trời. Yếu tố quan trọng duy trì sân hoạt động hiệu quả là các khu dân cư phải thống nhất được quy chế hoạt động, tuyên truyền để người dân tự giác, đấu tranh với những hành vi sử dụng sân chơi không đúng quy định...
Trong khi không ít điểm lắp đặt thiết bị thể dục bị sử dụng sai mục đích, thì tại phường Trung Tự (quận Đống Đa), nhiều điểm duy trì hiệu quả. Là người tập thể dục tại sân nhà E5, bà Dương Thị Lý (nhà D4, Khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết, trước kia, nhiều sân chơi bị chiếm dụng để bán hàng, trông xe, nhưng từ khi được đầu tư dụng cụ thể dục, sân chơi đã được giành lại cho cộng đồng. “Để duy trì được điều này, trước hết, chính người dân phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, nhắc nhở nhau giữ sân tập đúng mục đích, cùng với đó là sự vào cuộc sát sao của chính quyền cũng như tổ dân phố, các đoàn thể”, bà Lý nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội) Đinh Văn Luyến thông tin, trong năm 2023, Sở đã đầu tư 32 điểm lắp đặt thiết bị thể dục ngoài trời tại 14 quận, huyện. Dự kiến năm 2024, Sở tiếp tục đầu tư 22 điểm tại 16 quận, huyện, thị xã còn lại. Đây chính là những sân “mồi” để các địa phương phấn đấu lắp đặt thêm nhiều điểm mới. Việc duy trì các điểm hoạt động hiệu quả thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại. Sở đề nghị các địa phương dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho hoạt động này để phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao của người dân.
Thực tế nêu trên cho thấy, ngoài việc phải duy trì nghiêm quy định hoạt động tại điểm lắp đặt thiết bị thể dục ngoài trời, các địa phương cũng cần rà soát, tạo thêm các điểm luyện tập mới. Qua đó, góp phần xóa "điểm đen" về rác và tình trạng lấn chiếm đất công, tạo dựng văn minh đô thị.