Chuyển đổi số

Báo Hànộimới ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào mọi hoạt động xuất bản, quản lý, điều hành

Theo Tạp chí Thông tin & Truyền thông 13/12/2023 - 07:49

Báo Hànộimới đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số, nền tảng số vào mọi hoạt động xuất bản, quản lý, điều hành công việc. Qua đó, tăng hiệu quả hoạt động, giúp Báo tiếp cận nhanh và tới nhiều bạn đọc, từ đó tăng nguồn thu, tạo điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.

Việc chuyển đổi số (CĐS) Báo Hànộimới được tiến hành từ khá sớm, bắt đầu từ khoảng những năm 1998 với việc đầu tư trang thiết bị máy vi tính, máy chủ lưu trữ dữ liệu để thực hiện những bước số hóa dữ liệu đầu tiên. Đó là chuyển các tin, bài từ các bản viết tay sang đánh máy vi tính và in ra để phục vụ cho công tác biên tập, duyệt xuất bản; thực hiện trình bày báo trên máy tính; chuyển các chế bản điện tử sang nhà in để phục vụ công tác in báo hằng ngày…

Công cuộc CĐS có bước đột phá lớn với việc Báo Hànộimới được đầu tư xây dựng hệ thống quản lý xuất bản báo chí CMS phục vụ công tác xuất bản báo in vào năm 2010 và chính thức đưa vào hoạt động năm 2014. Các quy trình xuất bản báo in thủ công đã được thay thế bằng các phần mềm trên máy tính, điện thoại thông minh…

Nghiên cứu, đầu tư các phần mềm xuất bản báo chí mới hiện đại

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, để đáp ứng tốt hơn cho việc xuất bản các ấn phẩm, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí, dễ dàng cho công tác quản lý điều hành của cấp lãnh đạo, thuận tiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên tác nghiệp, Báo Hànộimới đang nghiên cứu, đầu tư các phần mềm xuất bản báo chí mới hiện đại hơn.

sep-duc.jpg
Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức: Báo Hànộimới đang tiến hành đồng bộ, với mục tiêu đưa các ứng dụng CNTT, công nghệ số, nền tảng số hiện đại, tiên tiến trên thế giới vào mọi hoạt động xuất bản, quản lý, điều hành công việc. Ảnh: XT

Tháng 6-2023, Báo Hànộimới chính thức vận hành Tòa soạn hội tụ, là bước quan trọng CĐS báo chí. Hầu hết tin bài sẽ được sản xuất trên báo điện tử, báo in khai thác thông tin phù hợp cho các số báo ra hằng ngày. Hướng tới Tòa soạn báo in không giấy, không dây. Đặc biệt, Báo đã mạnh dạn phát hành miễn phí báo in (dạng PDF) trên môi trường internet để phục vụ rộng rãi công chúng.

Báo Hànộimới cũng đang hướng tới việc đầu tư mới hệ thống phần mềm Tòa soạn hội tụ tích hợp dùng chung báo điện tử và báo in, lấy báo điện tử làm trung tâm tích hợp nhiều ấn phẩm báo in, các chuyên trang điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung. Thống nhất trên một nền tảng kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả cao về chất lượng nội dung và tính tương tác với độc giả, đáp ứng yêu cầu tác nghiệp ngày càng cao của báo chí trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh những chức năng cần có của các tòa soạn báo in, báo điện tử như quản lý xuất bản nội dung, kế hoạch, giao việc, nhuận bút, đánh giá chất lượng, thống kê…, hệ thống phần mềm Tòa soạn hội tụ còn cần tích hợp dùng chung thêm các chức năng ứng dụng cho văn phòng điện tử (quản lý văn bản, kế hoạch giao việc, đánh giá cán bộ hằng tháng, quản lý nhân sự, lao động tiền lương…) và ứng dụng cho quảng cáo, phát hành…

“Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ mới hiện đại, hỗ trợ cho cấp lãnh đạo trong công tác chỉ đạo và điều hành; hỗ trợ phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), người lao động thuận tiện trong thực hiện các công việc được giao. Từ đó, tăng hiệu quả và năng suất lao động”, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng CNTT và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quy trình sản xuất

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, Báo Hànộimới đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng CNTT và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quy trình sản xuất các ấn phẩm. Cụ thể:

Về hạ tầng CNTT: Báo đang xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống thiết bị máy chủ mới hiện đại, cấu hình cao thay thế các máy chủ cũ, để chạy các dịch vụ máy chủ dữ liệu kết hợp thuê nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) của các nhà mạng uy tín để chạy các dịch vụ này.

Báo cũng đầu tư hệ thống thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, đường truyền internet tốc độ cao; đầu tư hệ thống máy tính laptop cấu hình cao, nhỏ gọn cho đội ngũ cán bộ, PV khối chuyên môn và các thiết bị tác nghiệp mới gồm máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm hiện đại; đầu tư hệ thống các phần mềm bản quyền hỗ trợ việc sản xuất nội dung và tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, đối tác một cách chuyên nghiệp.

Đồng thời, cải cách, sắp xếp lại tổ chức làm việc của các phòng, ban, cách thức tác nghiệp của tòa soạn báo, bảo đảm tính thống nhất, kế thừa nhằm thông tin được quản lý và khai thác có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. Công tác quản trị với các lĩnh vực của tòa soạn báo được liên thông như tài chính, nhuận bút, bản quyền, quảng cáo, nhân sự… đều được tích hợp thống nhất, bảo đảm tiết kiệm ngân sách, tránh đầu tư nhiều lần dàn trải không đồng bộ.

Về số hóa dữ liệu: Báo Hànộimới đang xây dựng CSDL số bao gồm dữ liệu báo in, báo điện tử, các dữ liệu text, ảnh, video khác dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quá trình tác nghiệp và giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng công việc của tòa soạn, quản lý một CSDL tập trung duy nhất cho nhiều ấn phẩm. Dữ liệu này bảo đảm luôn sẵn sàng phục vụ các nhu cầu công việc của các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ.

Báo Hànộimới cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu lớn (big data) vào phân tích thông tin, thái độ hành vi, cảm xúc của người dùng để thu hút người dùng mới, giữ chân người dùng cũ, từ đó phát triển các ấn phẩm mới, các thị trường mới, các khu vực mới, đón đầu các nhu cầu trong tương lai; điều chỉnh nội dung các bài viết, hình thức thể hiện tin bài trên báo in để khắc phục các thiếu sót và phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn.

Cùng với đó, ứng dụng big data trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quá trình sản xuất các sản phẩm của Báo như: Gia tăng khả năng dự báo biến động nguồn nguyên liệu đầu vào (giấy, công in, thù lao xuất bản, nhuận bút), thời gian xuất bản, in ấn, vận chuyển, phát hành, giúp đội ngũ cán bộ ra các quyết định một cách chính xác, giúp dễ dàng và linh hoạt trong quá trình điều hành, quản lý; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ cho các quy trình xuất bản, sản xuất tin bài, các hoạt động nghiệp vụ diễn ra hiệu quả, đồng nhất…

“Tất cả những giải pháp trên đang được Báo Hànộimới tiến hành đồng bộ, với mục tiêu là đưa các ứng dụng CNTT, công nghệ số, nền tảng số hiện đại, tiên tiến trên thế giới vào mọi hoạt động xuất bản, quản lý, điều hành công việc. Qua đó, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả trong quản lý, điều hành và xử lý các công việc; giúp các sản phẩm của Báo tiếp cận nhanh hơn, tới nhiều khán thính giả, bạn đọc hơn, từ đó tăng nguồn thu sự nghiệp, tạo điều kiện để Báo phát triển trong giai đoạn mới”, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

screenshot-63-.png

Một số đề xuất, kiến nghị

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, việc CĐS không chỉ là xu hướng không thể đảo ngược, mà nó còn thực sự đem lại nhiều lợi ích cho các tòa soạn báo in, từ khả năng tiếp cận độc giả tốt hơn đến tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường.

Để có thể đẩy nhanh quá trình CĐS với báo in, ngoài ý chí của người đứng đầu và của cả tập thể, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng mô hình hội tụ phù hợp với bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị; tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ cả công nghệ và nội dung, cho phép cơ quan báo chí xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng, đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.

Hai là, phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện để hình thành báo chí số; ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí truyền thông, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo tác phẩm, sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)… để tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các bài báo…

Ba là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa thành thạo các kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số.

Cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác nhau theo hướng tăng cường về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo.

Bốn là, thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông số. Các tòa soạn báo có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về cách phát triển và quản lý nội dung trên các nền tảng số, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác để mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình; tăng cường khả năng tiếp cận với các công nghệ mới và nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông số từ các đối tác quốc tế.