“Vựa chuối” ở Mê Linh cho hiệu quả kinh tế cao
Xã Hoàng Kim là “vựa chuối” của huyện Mê Linh. Nơi đây, cây chuối được người dân trồng theo vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nên cho năng suất, chất lượng cao. Doanh thu hằng năm đạt 400 triệu đồng/ha giúp đời sống người dân ngày một cải thiện.
Về xã Hoàng Kim những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của mảnh đất ven sông Hồng. Từ triền đê nhìn xuống, vùng đất bãi ven sông trải dài tầm mắt với màu xanh của chuối tiêu hồng và tây hồng.
Là một trong những người tiên phong ở xã Hoàng Kim đầu tư, phát triển vùng trồng chuối theo hướng hàng hóa, ông Sái Công Triệu nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, nên đã bắt tay với nông dân phát triển vùng canh tác chuối rộng hơn 70ha. Để sản phẩm chuối bảo đảm chất lượng, ông Triệu đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, bảo quản chuối; hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều thương lái.
Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, mỗi năm, nơi đây xuất khẩu hơn 280 tấn chuối, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình kinh tế của ông Sái Công Triệu còn mang lại thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng cho nhiều lao động địa phương.
Ngoài mô hình của ông Sái Công Triệu, hiện không ít hộ dân ở xã Hoàng Kim đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ chuối tổng hợp với diện tích trồng chuối hơn 270ha. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chuối tổng hợp Hoàng Kim Lưu Văn Dương chia sẻ, vùng này đã được chuyển đổi sang trồng chuối, vì cây trồng này cho lợi nhuận cao hơn.
Xác định hiệu quả kinh tế từ cây chuối, huyện Mê Linh đã có những hỗ trợ cho người dân phát triển vùng chuyên canh. Theo đó, huyện hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hỗ trợ người dân trồng chuối chế biến, sản xuất các sản phẩm thủ công từ lá chuối, bẹ chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng thông tin, chuối sau khi thu hoạch được các hộ dân thu gom thân cây về tách bẹ, rồi đưa vào máy ép sợi. Từ những sợi chuối đó, tạo thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như: Túi, giỏ, sọt, khay, thảm, dép… với nhiều kiểu dáng. Ngoài ra, nước ép từ thân cây chuối cũng được tận dụng ngâm ủ với nhiều phụ phẩm khác, tạo thành chế phẩm sinh học hữu cơ, mang lại hiệu quả trong việc chăm bón hoa màu…
Chia sẻ về định hướng phát triển các vùng chuyên canh trồng chuối, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: Huyện đang hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng chuối ở xã Hoàng Kim nói riêng và các xã vùng bãi ven sông Hồng của huyện nói chung để đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm từ cây chuối; tham gia các hội nghị kết nối cung cầu nông sản do thành phố và các bộ, ngành trung ương tổ chức.
Bên cạnh đó, huyện cũng kết nối với các doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Đồng thời, để nâng cao năng suất, chất lượng chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu..., huyện giao Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, mời các chuyên gia về tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối cho các hộ dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao buồng chuối, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học (chích thuốc vào bắp khi chuối trổ hoa), lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động, hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn EGAP, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương đề xuất thành phố báo cáo Bộ NN&PTNT tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho địa phương xây dựng các khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối trong vùng sản xuất; đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng những bộ giống chuối tốt và chuyển giao cho địa phương, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chuối, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân...