Truyền thông quốc tế đánh giá tích cực chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hôm nay, 12-12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhiều kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm, kỳ vọng đây sẽ là sự kiện thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước láng giềng châu Á.
Trong bài xã luận có tiêu đề “Cùng nhau hợp tác vì tình hữu nghị lâu dài Việt - Trung”, Tân Hoa Xã nhận định, 6 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam gần nhất, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin chính trị lẫn nhau giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, đồng thời, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, tạo động lực mạnh mẽ để mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Trong khi đó, Đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV) nêu rõ, trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam sau 6 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, hai nước sẽ xây dựng một cộng đồng với một "tương lai chung", đồng thời tin tưởng, hai bên sẽ "đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc".
Trung Quốc Nhật báo (China Daily) qua bài viết “Chuyến thăm giúp nâng mối quan hệ láng giềng lên tầm cao mới” đã thể hiện sự tin tưởng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước láng giềng và tăng cường mối quan hệ mà cả hai cùng mong muốn vun đắp, được xây dựng trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống “đồng chí, anh em”.
Thời báo Hoàn cầu trong bài đăng mới đây cũng trích dẫn bình luận của các nhà phân tích Trung Quốc, khẳng định, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy cả hai bên đều coi mối quan hệ song phương này là quan trọng, đặc biệt.
Hãng tin Reuters nhận định, chuyến thăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, trong đó, tăng cường liên kết giao thông là một khía cạnh quan trọng, cho phép Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, trong khi Bắc Kinh muốn thúc đẩy sự kết nối sâu rộng giữa nước này với các nền kinh tế phía Nam. Hãng này nhận định, một mạng lưới đường sắt tốt hơn sẽ giúp tăng tốc độ nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Theo Time, chuyến thăm hai ngày lần này - chuyến thăm duy nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới một quốc gia châu Á trong năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh; đồng thời nhận định, chuyến thăm sẽ là cơ hội để nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước láng giềng.
Financial Times cho rằng, chuyến công du thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam có ý nghĩa lớn về hợp tác kinh tế khu vực, không chỉ bởi Việt Nam giờ đây đã thể hiện rõ vai trò là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ với các nước phương Tây, mà còn với chính các doanh nghiệp Trung Quốc, khi ASEAN cũng đã vượt qua Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Về phương diện này, nhiều kênh tin tức cũng đánh giá, với ưu thế về vị trí địa lý, lại sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cây cầu kết nối giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN.
Cũng ở khía cạnh kinh tế, Nikkei bình luận, với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đón cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng thăm trong năm nay, cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam, một trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á.