Những dự án giao thông tháo điểm nghẽn cho Đông Nam Bộ
Từ đầu tháng 12 đến nay, tin vui liên tiếp đến với các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên khi nhiều dự án đường bộ trục ngang sắp được xây mới và nâng cấp.
Những dự án quan trọng
Trong kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương tháng 12-2023, các đại biểu đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Dự án có tổng chiều dài 45,7km; quy mô rộng 17-60m (đầu tư phân kỳ) với 4-6 làn xe. Tổng mức đầu tư 14.408 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Dương được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án, thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo quy hoạch dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đoạn cao tốc qua thành phố Hồ Chí Minh dài 1,65km; đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 35km (chưa tính đoạn 7,7km đã được tỉnh Bình Dương hoàn thiện khi nâng cấp đường tỉnh ĐT743 và ĐT747B, tổng bề rộng nền từ 36-38m).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Minh cho biết, dự án này được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023-2027. Đây sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên qua tỉnh Bình Dương, nối Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên và là đòn bẩy để cả Bình Dương, Bình Phước cùng phát triển.
Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng có chiều dài gần 70km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.435 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ là tuyến giao thông quan trọng kết nối duyên hải Nam Trung Bộ với Nam Tây Nguyên, nơi hạ tầng giao thông đang thiếu và yếu.
Cụ thể, đoạn dự án qua tỉnh Bình Thuận dài khoảng 51km; đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 17km. Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng với hướng tuyến cơ bản theo hướng tuyến hiện hữu. Tùy đoạn, mặt đường và cầu rộng từ 9-11m… Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.435 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường bộ Việt Nam.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam thông tin, địa phương rất kỳ vọng tuyến đường mới sau nâng cấp sẽ phát huy tốt hơn vai trò cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) với các tỉnh Nam Tây Nguyên và liên kết với vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia.
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết
Để thực hiện bài viết này, nhóm phóng viên đã có các chuyến đi khảo sát thực địa tại 2 tuyến đường nêu trên. Chỉ mất hơn 2 giờ chạy xe, chúng tôi đã vượt gần 150km đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) để rẽ trái lên quốc lộ 28B. Từ đây đến điểm giao quốc lộ 20 tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) chỉ gần 70km, nhưng sẽ mất khoảng 3 giờ chạy xe ô tô.
Quốc lộ 28B vốn là đường công tác được xây dựng năm 2003 nối với đèo Đại Ninh để xây dựng Thủy điện Đại Ninh, nên chỉ có 2 làn xe, mặt đường hẹp, nhiều khúc cua gấp. Trên tuyến có đèo Đại Ninh dài khoảng 15km với khoảng 6 khúc cua cùi chỏ, ngoằn ngoèo, độ dốc cao… là những thách thức không nhỏ với các tài xế xe khách, xe tải, thậm chí cả tài xế xe du lịch chưa có nhiều kinh nghiệm đi đường đèo.
Vừa đánh tay lái tránh những ổ gà, ổ voi chi chít trên mặt đường, anh Lương Công Mỹ, người chuyên lái xe du lịch trên tuyến này, vừa lái xe chở chúng tôi vừa nói: “Đây là tuyến đường ngắn nhất từ Phan Thiết lên Đức Trọng, từ đó đi thêm hơn 40km là đến Đà Lạt. Nay có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, xe du lịch, xe khách chạy nhiều hơn, bởi tổng thời gian từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt chỉ còn 5 tiếng, thay vì khoảng 7 tiếng nếu đi trên quốc lộ 20.
Bù lại việc khó đi, cảnh sắc dọc quốc lộ 28B rất đẹp. Càng lên cao, không khi càng trong lành với một bên là hồ thủy điện rộng mênh mông, một bên là rừng bạt ngàn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kaloon - Sông Mao. Anh Mỹ nói thêm: “Nếu sau nâng cấp, dọc tuyến có cây xăng, có điểm dừng nghỉ ngắm cảnh, sẽ đông khách du lịch lắm”.
Hai ngày sau đó, nhóm phóng viên lại khảo sát tuyến đường từ thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương lên tỉnh Bình Phước. Hiện, quốc lộ 13 là đường độc đạo nối các địa phương này và nối với Nam Tây Nguyên.
Đoạn quốc lộ 13 qua thành phố Hồ Chí Minh chỉ hơn 5km, nhưng luôn chật cứng xe cộ. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới qua đến Bình Dương. Từ đây, đoạn quốc lộ dài hơn 62km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư mở rộng, có nơi đến 6 làn xe, rộng đến 40m. Xe cộ đi lại thuận lợi, nhưng đây vẫn chưa phải là đường cao tốc, vì có nhiều giao cắt đồng mức.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh thông tin, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh qua Bình Dương đến Bình Phước cùng với các dự án giao thông khác đang được triển khai tại vùng sẽ không chỉ giúp khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn thúc đẩy liên kết trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên…