Ba Vì có xã đầu tiên đủ điều kiện công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu
Ngày 12-12, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại Tản Hồng và xã nông thôn mới nâng cao tại 2 xã Phong Vân, Đông Quang (huyện Ba Vì).
Tản Hồng là xã đầu tiên của huyện Ba Vì đủ điều kiện đề nghị thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Trước đó, năm 2022, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết, với tiêu chí bắt buộc, hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Tản Hồng đã đạt 75,1 triệu đồng/người/năm, tăng 10% so với thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tản Hồng cũng đã xây dựng mô hình “thôn thông minh” Vân Sa 1 với Tổ công nghệ số cộng đồng. Công nghệ số được ứng dụng trong các mặt đời sống như giao tiếp thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử và dịch vụ xã hội.
Với tiêu chí tự chọn, xã chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đến nay, Tản Hồng có 3/3 trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 2 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Xã cũng đã có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cộng đồng học tập cấp xã xếp loại tốt.
Xã Phong Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Sau khi đạt chuẩn, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2023, Phong Vân có 100% đường trục chính, đường liên thôn được bê tông, trải nhựa; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có hệ thống chiếu sáng; trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn; 100% trường học đã đạt chuẩn mức độ 1 và mức độ 2; 100% các thôn có nhà văn hóa…
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhân dân xã Phong Vân đã xã hội hóa bằng tiền mặt hơn 4 tỷ đồng cho phong trào cùng 132 cây hoa ban, 150 cây hoa phong linh, trên 10.000 cây hoa các loại; 980m2 đất để mở rộng đường giao thông…
Với xã Đông Quang, Chủ tịch UBND xã Ngô Tiến Thắng cho biết, xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương đã huy động được hơn 139 tỷ đồng. Các thôn của Đông Quang chuyển biến lớn về diện mạo, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Rà soát hồ sơ, đối chiếu với Bộ tiêu chí kết hợp với kiểm tra thực tế, thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đã chấm điểm từng tiêu chí đối với các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của từng địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn kết luận, 2 xã Phong Vân, Đông Quang đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, địa phương cần viết lại báo cáo, làm nổi bật kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Đối với xã Tản Hồng, địa phương đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục nỗ lực để đạt kiểu mẫu trên các lĩnh vực khác như: Du lịch, an ninh trật tự, văn hóa…