Xã hội

Sẵn sàng "chiến đấu" trong thời bình

Hiền Phương 12/12/2023 09:02

Xác định công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện.

Nhờ đó, lực lượng vũ trang Thủ đô đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

can-bo-chien-si-dai-doi-ph.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, chữa cháy - Phòng hóa (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) trong giờ huấn luyện.

Không ngừng rèn luyện

Thực hiện sự chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở các phương án đã được xây dựng, Đại đội Phòng cháy, chữa cháy - Phòng hóa luôn tăng cường tổ chức luyện tập, nhất là các phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại các địa hình phức tạp, như: Nhà cao tầng, khu vực nằm sâu trong ngõ nhỏ… Bên cạnh việc luyện tập ban ngày, đơn vị còn tổ chức luyện tập vào ban đêm nhằm giúp cho bộ đội thích nghi với mọi điều kiện khi tình huống xảy ra.

Trên thao trường huấn luyện của Trung đội Phòng cháy, chữa cháy 1 (Đại đội Phòng cháy, chữa cháy - Phòng hóa), Phó Đại đội trưởng, Thượng úy Đặng Minh Tuấn giới thiệu tỉ mỉ về cấu tạo, tính năng và cách sử dụng của các loại bình chữa cháy. Trung sĩ Phạm Như Hiếu, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Phòng cháy, chữa cháy 1 cho biết: “Để xử lý linh hoạt trong mọi tình huống, yêu cầu đầu tiên là phải sử dụng thuần thục trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Vì vậy, chúng tôi luôn tập trung nghe giảng, tiếp thu kiến thức, luyện tập thành thục kỹ năng nhằm áp dụng hiệu quả mỗi khi tham gia thực hiện nhiệm vụ”.

Nhằm nâng cao khả năng ứng phó của lực lượng dân quân tự vệ khi có các tình huống thiên tai, cháy nổ xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ vừa tổ chức Hội thi cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng này.

Trung tá Tạ Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ cho biết: 286 vận động viên thuộc 27 Ban Chỉ huy quân sự xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tham gia thi ở các nội dung: Kỹ thuật bao gói trang bị; kỹ thuật cứu người bị đuối nước; kỹ thuật sử dụng trang bị chữa cháy, phòng độc, ngạt; cứu người bị nạn và kỹ thuật vận chuyển cơ sở vật chất ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hội thi đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong mọi tình huống cho lực lượng dân quân tự vệ.

Để kịp thời đáp ứng được mọi tình huống, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Bắc Từ Liêm đã bồi dưỡng kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước... cho cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự quận, phường, trung đội trưởng dân quân cơ động, tổ đội trưởng...

Dân quân Nguyễn Văn Trọng (Ban Chỉ huy quân sự phường Đức Thắng) cho biết: “Qua tập huấn, chúng tôi đã nắm chắc kỹ thuật cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn quận”.

Đề cao tính chủ động

Để chủ động trước mọi tình huống, hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch, phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn có thể xảy ra.

Cùng với đó là phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các địa bàn trọng điểm, điểm xung yếu về đê, kè, hồ, đập trước mùa mưa bão. Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, trạm bơm, hồ, đập và các công trình có nguy cơ sập đổ.

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: “Để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cao, hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho các đơn vị; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ. Đặc biệt, các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tại các địa phương, sở, ngành trong năm 2023 tiếp tục được kết hợp với nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn nhằm đánh giá khả năng bảo đảm, tham gia ứng phó của các sở, ngành, địa phương với thảm họa, sự cố thiên tai…”.

Cùng với đó, các lực lượng kiêm nhiệm của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội như: Tiểu đoàn Công binh 544, Đại đội Phòng cháy, chữa cháy - Phòng hóa thường xuyên được huấn luyện theo hướng chuyên sâu để làm chủ trang bị, phương tiện tiên tiến, hiện đại. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động hơn 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; hơn 5.300 lượt phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và luôn phát huy tinh thần “vì nhân dân quên mình”, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.