Chuyển đổi xanh, bảo đảm an sinh xã hội
Chiều 11-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế về thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội, hướng tới chuyển đổi xanh.
Trao đổi tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lưu Quang Tuấn nhận định, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, việc làm sử dụng công nghệ cao, giảm khí thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các kỹ năng mới, vì vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như giáo dục đào tạo phải có sự điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới.
Quá trình chuyển đổi này có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động, không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh…
Đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi năng lượng và các nỗ lực giảm lượng khí thải, phải đầu tư chi phí lớn để được sử dụng năng lượng xanh, sạch…
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam nêu quan điểm: Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tập trung chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, với rất nhiều chủ trương, chính sách có lộ trình cụ thể được ban hành thời gian qua. Việc sửa đổi, điều chỉnh Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội đã và đang tạo thêm nhiều cơ hội để nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, nhà nước bảo đảm việc tôn trọng quyền của người lao động, tạo cơ hội cho người lao động được đào tạo, hỗ trợ, rèn kỹ năng để có thể bắt kịp quá trình chuyển đổi, qua đó, bảo đảm sự phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tộc thiểu số, nữ giới, lao động kỹ năng thấp trong quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, cần có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm mới đối với những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi, bị mất việc làm hiện tại.
Theo các đại biểu, những nhà phân tích cần phải dự báo được số việc làm mới, cũng như xác định rõ những công việc không còn phù hợp với nền kinh tế trong tiến trình chuyển đổi này. Bởi trên cơ sở hiểu rõ thị trường lao động mới có thể đưa ra được các giải pháp nhằm bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, từ đó đề xuất, hoàn thiện được các kế hoạch, chính sách phù hợp.
Đặc biệt, phải bảo đảm đa dạng sinh kế, chú trọng hỗ trợ sinh kế của các nhóm cộng đồng chịu tác động trực tiếp từ quá trình chuyển đổi, đơn cử như lao động chịu tác động của quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện sang điện gió, điện mặt trời…