Tiềm năng du lịch từ các phế tích trên núi Ba Vì
Không chỉ thu hút du khách với vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) còn có tài nguyên quý hiếm khi sở hữu hơn 200 phế tích từ thời Pháp. Đó là những công trình kiến trúc được xây dựng cách đây gần 100 năm, giờ mang dáng vẻ rêu phong, cổ kính ẩn khuất trong những cánh rừng, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, mê hoặc.
Vườn quốc gia Ba Vì là tài nguyên quý hiếm của thiên nhiên và lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Với nhiệt độ trung bình quanh năm mát mẻ khoảng 24 độ C, vào mùa đông và xuân có sương bao phủ, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh hệ thống các di tích là Đền thờ Bác Hồ, đền Thượng - Trung - Hạ, đình Tây Đằng… Vườn quốc gia Ba Vì còn có hệ thống các phế tích, theo thời gian đã phủ rêu phong.
Các phế tích này là những biệt thự, nhà thờ được người Pháp xây dựng từ cách đây gần 100 năm. Các công trình ở đây đều được xây dựng từ độ cao 400m trở lên.
Sau năm 1945, những công trình này không được sử dụng, bị bỏ hoang và dần trở thành phế tích. Hiện nay, vẫn còn khoảng 200 phế tích nằm rải rác trong khu vực Vườn quốc gia Ba Vì. Ngoài giá trị lịch sử, cảnh quan, những phế tích này còn có giá trị lớn về du lịch, trở thành điểm khám phá trải nghiệm được nhiều khách tìm đến.
Trong số những phế tích, khu vực nhà thờ đá được giới trẻ coi là nơi "check-in" lý tưởng. Bên cạnh đó, một số lượng lớn phế tích đang nằm trong khuôn viên của một khu nghỉ dưỡng với các công trình như: Nhà tướng Pháp, khu pháo đài, khu trại gái…
Theo thời gian, những phế tích này đã bị bao phủ bởi rêu phong, cây cối, hòa cùng thiên nhiên, núi rừng Ba Vì tạo nên cảnh quan huyền ảo, cổ kính.
Theo KTS Lê Thành Vinh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các phế tích này có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan, là nhân tố quan trọng trong phức hợp cảnh quan di sản thiên nhiên. Vì thế, chúng có sức hút mạnh mẽ về văn hóa, du lịch, từ đó là tiềm năng về phát triển kinh tế.
Còn PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, những phế tích ở Ba Vì có thể coi là một khu vực khảo cổ học đô thị thời hiện đại. Nếu cơ quan quản lý có chính sách bảo tồn, phục hồi đúng cách, để những kiến trúc này kể câu chuyện của mình, thì đây sẽ là một trong những điểm rất hấp dẫn du khách.