Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Kinh nghiệm hay ở Chương Mỹ
Là huyện có nhiều làng nghề, nông sản, thực phẩm, Chương Mỹ đã khai thác tốt lợi thế này khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Kết quả từ năm 2019 đến 2023, lũy kế trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 178 sản phẩm của 37 chủ thể được phân hạng từ 3 sao trở lên. Trở thành địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP, Chương Mỹ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hay...
Phát huy lợi thế của địa phương
Huyện Chương Mỹ vừa tổ chức đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP năm 2023 với 40 sản phẩm tham gia. Kết quả có 38 sản phẩm đủ điều kiện đạt 3 sao và 4 sao; 2 sản phẩm chưa đạt. Tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện hộ kinh doanh Lê Văn Cường (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) cho biết, gia đình bà chọn sản phẩm "Trứng gà sạch Cường Hương" dự thi. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà kết hợp chế phẩm men vi sinh ủ trong thức ăn để gia tăng vi lợi khuẩn, kháng bệnh cho gia cầm. Nhờ đó, trứng gà thơm ngon, an toàn hơn; chăn nuôi bảo đảm thân thiện với môi trường...
Từng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Mây Việt (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết: "Những năm trước, công ty có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Sản phẩm mây tre đan đạt chứng nhận OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú, giúp doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội quảng bá rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng tầm thương hiệu sản phẩm mây tre đan Phú Vinh. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, được du khách quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) ưa chuộng. Năm 2023, công ty tiếp tục tham gia đánh giá 2 sản phẩm: Bàn trà đan mây, mâm sâu mây guột đều được đan tỉ mỉ, công phu".
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường, toàn huyện Chương Mỹ có 36 làng nghề, một số nghề truyền thống rất phát triển như: Sản xuất mây tre giang đan, mộc, thêu ren. Nhiều sản phẩm nông nghiệp: Gạo hữu cơ Đồng Phú, bưởi Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, trứng gà Tiên Viên... cũng được đánh giá rất cao. Phát huy lợi thế này, Chương Mỹ đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Sau 4 năm, Chương Mỹ có 145 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội phân hạng, cấp sao Chương trình OCOP (chưa kể sản phẩm được đánh giá năm 2023 đang chờ quyết định công nhận). Sản phẩm OCOP của Chương Mỹ có mặt các hội chợ, được người tiêu dùng đón nhận đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo điều kiện mở rộng, phát triển kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp...
Thêm hỗ trợ chương trình
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, với kết quả đạt được, Chương Mỹ đang dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, huyện đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay, đặc biệt là quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể...
Qua đánh giá, Chương Mỹ nhận diện rõ khó khăn, thách thức: Phần lớn nông sản của huyện là sản phẩm thô, chưa qua sơ chế, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, chưa có đủ thương hiệu, nhãn mác… nên xuất phát điểm để làm OCOP rất thấp, cần đầu tư nhiều kinh phí vào cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, hồ sơ pháp lý cho sản phẩm. Mặt khác, hầu hết các hợp tác xã có quy mô nhỏ, phục vụ các khâu dịch vụ nông nghiệp là chủ yếu, chưa có sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu tham gia chương trình. Hơn nữa, đây là chương trình mới, cán bộ làm công tác thực hiện OCOP của huyện và xã chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia…
Trước tình trạng đó, huyện Chương Mỹ đã có hỗ trợ phù hợp. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường, hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm cho đối tượng là cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, thể hiện rõ vai trò của Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng rà soát, đánh giá sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm nền tảng xây dựng sản phẩm OCOP; đồng thời, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm được đánh giá, được UBND thành phố cấp 3 sao trở lên để phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP cấp 4-5 sao...
Sở hữu số lượng làng nghề dẫn đầu thành phố Hà Nội, sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ được bổ sung tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, cải tiến mẫu mã, chất lượng... nhờ đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng. Đơn cử, với sản phẩm mây tre đan khi chưa tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn. Từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm được cải tiến mẫu mã, chất lượng, được quảng bá, giới thiệu nhiều hơn tại các hội chợ, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn nên lượng hàng tiêu thụ ngày một tăng. Bên cạnh đó, Chương Mỹ thường xuyên tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm OCOP quảng bá rộng rãi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng đặt tại các thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai và khu vực chợ Đông Phương Yên...