Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Lan tỏa vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ Việt
Kiên trì theo đuổi chất liệu sơn mài, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã thành công trong việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc thông qua những hình ảnh gần gũi với cuộc sống đời thường, đặc biệt là hoa sen và thiếu nữ.
Mới đây, anh tổ chức triển lãm “Nàng Sen”, qua đó khẳng định và lan tỏa thông điệp về sức mạnh, nghị lực và vẻ đẹp không chỉ về ngoại hình mà còn ở tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
1. Người ta thường nói người Hải Phòng “ăn sóng nói gió”, nhưng bất cứ ai từng tiếp xúc với họa sĩ Bùi Trọng Dư đều công nhận anh là người bình dị, chất phác, dễ gần. Cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển cả đã thấm vào máu thịt anh, trở thành một phần trong cảm xúc và làm nên cá tính của người họa sĩ. Có lẽ vì thế mà anh đã chọn cho mình một phong cách hội họa dung dị, mộc mạc nhưng đầy cá tính.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, hội họa là niềm đam mê từ bé của anh, dù trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Anh tự định hình cho mình phong cách theo bản năng, sở thích với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ.
Chính vì vậy, lúc đầu, anh chọn học khoa Sư phạm Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) nhưng rồi cảm thấy mình không phù hợp, anh muốn toàn tâm toàn ý hơn với mỹ thuật nên đã quyết định học tiếp tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Anh kể, thời gian đầu theo nghệ thuật, chưa có tên tuổi, tranh khó bán, anh đã gặp rất nhiều khó khăn và tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng rồi anh vẫn may mắn trụ được. Hiện tại, là một họa sĩ tự do, anh được làm công việc mà mình thích, và sống được bằng công việc này - đó là điều anh cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Tôi đã từng có cơ hội đến thăm tư gia của Bùi Trọng Dư trong con ngõ nhỏ ở làng Tám (Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội), tận mắt chứng kiến công việc thường ngày của anh. Trong ngôi nhà chỉ chừng hơn 30 mét vuông, anh “trưng dụng” tầng 4 để vẽ và tầng 1 để trưng bày tranh. Những bức tranh của anh khiến người xem cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, một cảm giác nhẹ nhàng, êm ái.
2.Nổi tiếng với dòng tranh nude với sen bằng chất liệu sơn mài từ nhiều năm qua, họa sĩ Bùi Trọng Dư luôn mong muốn có những tác phẩm đẹp, vừa tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen, vừa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
Theo anh, hoa sen gắn bó mật thiết với đất nước và con người Việt Nam. Dù ở thành thị hay nông thôn, nơi đâu cũng có thể bắt gặp vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa này. Hoa sen sinh tồn trong bùn lầy mà chẳng hôi tanh mùi bùn, trái lại luôn rực rỡ, thơm ngát. Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn giữ vững phẩm giá cao đẹp của mình, thủy chung, son sắt. Chính tình yêu, sự nâng niu, trân trọng đó đã giúp anh có thêm niềm cảm hứng để đắm mình trong đề tài độc đáo này. Đặc biệt, trong một xã hội vẫn có những ý kiến trái chiều về nude, anh luôn dặn mình, vẽ nude với sen thì cần phải vẽ thật tế nhị, nếu không dễ bị rơi vào tình trạng dung tục, phản cảm”.
Điều mà họa sĩ Bùi Trọng Dư hạnh phúc nhất sau triển lãm “Nàng sen” tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là sự đón nhận hồ hởi, nhiệt thành của công chúng Nam Bộ. Nhiều người chưa quen đã đến xem tranh và xin được chụp ảnh cùng tác giả. Họ đến với sự tò mò, háo hức và ra về với sự hứng khởi, mãn nguyện. Qua những bức tranh, như “Xuân thì”, “Ngày đầu hạ”, “Buổi sớm ở ao sen”, “Thiếu nữ và nỗi nhớ”, “Thuyền sen”, “Tình mùa hạ”..., người xem thấy được sự trân trọng, lòng biết ơn của anh với phái đẹp. Có người thắc mắc, tại sao anh chỉ ưu ái mỗi hoa sen và phụ nữ, anh bộc bạch: “Không vẽ sao được khi họ là đại diện cho cái đẹp, là những người rất gần gũi quanh tôi, là bà, là mẹ, là vợ, là con, là chị em, là bạn bè... Họ là những đóa sen thơm ngát và tuyệt đẹp trong lòng tôi”.
Là người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của họa sĩ Bùi Trọng Dư, họa sĩ Nguyễn Trung Dũng khẳng định: “Với các tác phẩm như “Hoa sen mùa hạ”, “Thiếu nữ với sen”, “Bình hoa”..., tranh của Bùi Trọng Dư mang đến cho người xem cảm nhận về giai điệu của cuộc sống hồn nhiên tươi đẹp. Việc Bùi Trọng Dư làm chủ chất liệu sơn mài chính là điểm nhấn quan trọng, nó tương phản với hình thể giản lược của thiếu nữ và hoa sen trong tranh của anh và sự kết hợp này đã tạo nên dấu ấn riêng của Bùi Trọng Dư”.
3. Bên cạnh niềm đam mê hội họa, họa sĩ Bùi Trọng Dư còn là một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ về việc đẩy lùi vấn nạn tranh giả cũng như vấn đề vi phạm bản quyền trong hội họa - điều mà giới họa sĩ lâu nay còn nhiều e ngại. Anh là người sáng lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” từ ngày 3-5-2019 trên Facebook. Đầu tiên là từ bức xúc cá nhân khi phát hiện nhiều công ty sử dụng tranh của mình và một số họa sĩ để đưa lên áo dài, anh đã quyết định lập nhóm, rồi với sự lan tỏa, vào cuộc của các họa sĩ, luật sư, nhà báo, nhóm đã tạo diễn đàn công khai để các họa sĩ bảo vệ tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, anh cũng khẳng định, nhóm chỉ là diễn đàn tư vấn cho các họa sĩ về vấn đề pháp lý chứ không thể giải quyết được vấn đề bản quyền nếu họa sĩ ấy không quyết tâm đến cùng. “Trong hơn 4 năm qua, rất nhiều vụ vi phạm đã được giải quyết triệt để, nhiều công ty vi phạm đã phải nhận lỗi. Cũng thông qua nhóm này, chúng tôi mang đến cho mọi người kiến thức, sự hiểu biết nhiều hơn về bản quyền” - họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ.
Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, bản quyền là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả. Trong khi đợi các cơ quan chức năng vào cuộc thì bản thân mỗi họa sĩ phải nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền. Đó chính là lòng tự trọng nghề nghiệp của mỗi họa sĩ. Để chăm chút cho nhóm phát triển với gần 2.000 thành viên, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã phải nghiên cứu rất nhiều điều luật liên quan đến bản quyền, và điều quan trọng là giữ tôn chỉ, mục đích “không câu view, các vụ vi phạm bản quyền phải đầy đủ bằng chứng thì mới duyệt đăng để tránh gây tranh cãi không đáng có”.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư ngưỡng mộ rất nhiều họa sĩ, cả phương Tây lẫn phương Đông. Học những cái hay của họ nhưng anh khẳng định không thần tượng cụ thể một họa sĩ nào. Mỗi họa sĩ có một cách làm việc riêng, không thể lấy khuôn mẫu của ai đó áp dụng cho mình.
“Trong nghệ thuật luôn cần có lối đi riêng, không trộn lẫn với bất cứ ai. Nhu cầu thưởng thức cái đẹp của công chúng ngày càng cao, bởi vậy, họa sĩ phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi, phải luôn tạo sự bất ngờ cho công chúng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau” - anh bộc bạch.
Chính bởi vậy, vào đầu tháng 12 này, họa sĩ Bùi Trọng Dư tham gia triển lãm nhóm T5 (gồm Bùi Trọng Dư, Nguyễn Lâm, Nguyễn Hải Nam và Phạm Hồng Phương) tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) mà trong 10 bức anh tham gia, người xem sẽ không thấy có sen như thường lệ. Đây là một góc nhìn khác của họa sĩ đất Cảng và anh mong muốn mang đến những điều bất ngờ thú vị khác cho công chúng.