Thế giới

Nga và Saudi Arabia kêu gọi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng: Kỳ vọng vực dậy giá dầu

Thùy Dương 10/12/2023 - 07:14

Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã cùng phát đi lời kêu gọi tất cả các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu.

Tuyên bố được đưa ra nhân chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới Saudi Arabia với kỳ vọng có thể vực dậy giá dầu đang liên tục đi xuống dù OPEC+ không ngừng thắt chặt nguồn cung trong thời gian vừa qua.

opec.jpg
Các bể chứa dầu và Nhà máy lọc dầu Bayway ở Linden, New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters

Lời kêu gọi các thành viên OPEC+ cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu được Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đưa ra trong bối cảnh giá dầu WTI đã lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm nay rơi xuống dưới mốc 70 USD/ thùng. Trong khi giá dầu Brent hiện nay cũng chỉ dao động xung quanh ngưỡng 75 USD/thùng.

Trong tuyên bố chung, Nga và Saudi Arabia nhấn mạnh sự cần thiết của việc tất cả các thành viên OPEC+ cùng tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm thúc đẩy giá dầu. Chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của nhà lãnh đạo Nga diễn ra chưa đầy một tuần sau khi OPEC+ khiến thị trường thất vọng với thông báo không mấy ấn tượng về việc cắt giảm hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý I-2024; đồng thời thiếu một thỏa thuận trong liên minh khi việc cắt giảm chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện.

Các nhà phân tích nhận định, đặt ra một khung để mỗi nước tự cắt giảm sản lượng cho thấy việc thiếu niềm tin và kết nối giữa các thành viên. “Phản ứng của thị trường cho thấy tâm lý mất niềm tin vào hiệu quả của các đợt cắt giảm sản lượng”, chuyên gia phân tích thuộc JP Morgan, ông Christyan Malek nhấn mạnh.

Giá dầu giảm là một tín hiệu tích cực cho các tài xế ở Mỹ, những người đã có thể đổ đầy bình xăng với ít tiền hơn trong những tháng gần đây. Nhưng đó là tin xấu đối với các quốc gia OPEC+ lấy dầu mỏ là nguồn thu chính cho nền kinh tế.

OPEC+ hiện tập trung vào việc giảm sản lượng khi mà giá giảm từ mức gần 98 USD/thùng vào cuối tháng 9-2023, cùng lúc đó xuất hiện nhiều nỗi lo về kịch bản tăng trưởng kinh tế suy giảm trong năm 2024 và nguồn cung dầu thừa. Tuy nhiên, một số nước OPEC+ tỏ ra bất đồng về chính sách tiếp tục cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu, cho rằng chính việc thắt chặt van dầu quá lâu đã tạo điều kiện cho nhiều quốc gia ngoài OPEC+ chiếm lĩnh thị trường. Ngay cả với động thái mới nhất của liên minh nhằm giảm sản lượng, các nhà phân tích suy đoán rằng, giá có thể không tăng đáng kể vào thời điểm hàng tồn kho dồi dào và các quốc gia ngoài OPEC+ đã mở rộng khả năng sản xuất.

Nguồn cung từ một số quốc gia như Mỹ, Iran, Venezuela, Canada hay Brazil đã tăng lên đáng kể thời gian qua. Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ lên tới 440 triệu thùng, cao hơn 20 triệu thùng so với một tháng trước. Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng tồn trữ xăng dầu tại Mỹ trong tuần trước đã tăng tới 5,4 triệu thùng, cao gấp nhiều lần so với dự báo chỉ tăng 1 triệu thùng được đưa ra trước đó. Còn theo GasBuddy, ứng dụng theo dõi giá xăng tại 150.000 trạm ở Mỹ, giá xăng đã giảm 10 tuần liên tiếp.

Lạm phát cao là một thách thức chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi bước vào cuộc bầu cử năm 2024, khiến ông phải cam kết rằng, nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng và giảm áp lực giá cả là ưu tiên hàng đầu.

“Tổng thống Joe Biden đang tập trung vào giá cả cho người tiêu dùng Mỹ, vốn đang giảm đều đặn” - Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố ngay sau cuộc họp OPEC+ cuối tháng 11-2023. Bên cạnh đó, thị trường trở nên lo ngại hơn về nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc khi nền kinh tế này chưa có dấu hiệu phục hồi bền vững.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga và Saudi Arabia cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát giá dầu. Theo ước tính mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga muốn giá dầu tăng cao để thúc đẩy nguồn ngân sách chính trong cuộc xung đột với Ukraine, trong khi Saudi Arabia phải đẩy giá dầu lên khoảng 86 USD/thùng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhằm thực hiện một cuộc đại tu đầy tham vọng cho nền kinh tế nước này, đó là giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và tạo việc làm cho dân số trẻ.

Dù vậy, việc cắt giảm sâu rộng từ OPEC+ và từng quốc gia thành viên kể từ tháng 10-2022 do lo ngại có quá nhiều dầu thô lưu thông trong nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, đã không tạo ra thay đổi lâu dài đối với giá dầu. Điều này có thể đè nặng lên cơn khát dầu dành cho ngành Du lịch và công nghiệp toàn cầu.