Không thể "nâng tầm"
Đã vào những ngày cuối năm, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước quan tâm nhiều hơn tới việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bởi tính đặc thù của giai đoạn này.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 24-11, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố bắt đầu thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra về nồng độ cồn ở người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Kế hoạch này được hiểu là sẽ duy trì tới dịp Tết Nguyên đán, có sự thay đổi về phương thức kiểm tra so với trước khi ngành Công an duy trì các tổ kiểm tra tại chốt và lực lượng lưu động, tiến hành kiểm tra 24/7 với tinh thần xử lý vi phạm là “không có ngoại lệ”...
Kết quả kiểm tra khiến nhiều người phải bất ngờ, bởi trong những ngày đầu kiểm tra, có điểm kiểm tra ghi nhận gần 50 chủ phương tiện bị lập biên bản vào một buổi tối, khoảng 20 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn vào ban ngày. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng quyết định kiểm tra vào ban ngày - giải pháp mà trước đó đã dẫn đến ý kiến xì xào của một số người khi cho rằng “gây xáo trộn tới đời sống sinh hoạt của người dân”.
Đầu tuần này, báo chí đưa tin lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu điều chỉnh phương án kiểm tra, kiểm soát tình hình vi phạm về nồng độ cồn. Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện phương án kiểm tra, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với cuộc sống sinh hoạt, học tập, làm việc của người dân mà vẫn đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, với thông tin này, đã có không chỉ một ý kiến trên mạng xã hội ám chỉ việc điều chỉnh biện pháp kiểm tra đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng thấy rằng việc tổng kiểm tra cả vào ban ngày là không phù hợp, nên phải điều chỉnh.
Có người đi xa hơn, đặt ra vấn đề rằng việc đo nồng độ cồn cả vào ban ngày và xử lý vi phạm một cách “thẳng tay” nói chung gây ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người, “quán nhậu chỉ còn cách đóng cửa”...
Rất khó để đồng ý với ý kiến “nâng tầm” nói trên, người không có thói quen uống và có lẽ là cả người “yêu” rượu, bia cũng vậy. Bởi quy định cấm uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đồng nghĩa với việc cấm uống rượu, bia cũng như cấm kinh doanh đồ uống có cồn.
Bởi trong thực tế đã có biết bao người coi việc đến quán bia hơi sau giờ làm việc hằng ngày là một thú vui không thể bỏ, “nhậu” xong rồi tự giác thuê taxi, grab, xe ôm hay lên xe buýt trở về nhà thay vì tự điều khiển phương tiện cá nhân.
Bởi tình hình bảo đảm an toàn giao thông đã từ từ tốt lên kể từ khi cả nước triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ, thể hiện qua số vụ vi phạm và số người tử vong đều có xu hướng giảm qua từng năm; trong kết quả đó, không thể bỏ qua đóng góp của cơ quan chức năng khi đã thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn - một trong số nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông.
Điều quan trọng hơn cả là qua những chương trình công tác chuyên đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, rất nhiều người nay đã hình thành thói quen “sử dụng rượu, bia là không lái xe”, tình trạng “ép uống” cũng dần nhạt đi, điều đó không chỉ tạo tác động tích cực tới tình hình trật tự, an toàn giao thông mà còn góp phần bảo đảm hiệu suất làm việc, học tập, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do thường xuyên sử dụng rượu, bia...
So với lợi ích quá lớn mà việc thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP mang lại cho cộng đồng, những ý kiến cá nhân cho rằng phần việc này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội vừa thiếu chính xác vừa thiếu tính xây dựng. Sở thích và lợi ích cá nhân không thể vượt qua quyền được sống an toàn của cộng đồng.
Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phần việc quan trọng nói trên, cơ quan chức năng cũng cần tiếp nhận, xem xét ý kiến của người dân, bảo đảm rằng việc thực hiện chức trách không tạo nên hệ lụy không đáng có đối với cộng đồng. Mục tiêu đặt ra là công tác kiểm tra không tạo thêm gánh nặng ùn tắc giao thông, không ảnh hưởng tới giờ giấc công tác, lao động, học tập.
Trách nhiệm công vụ, tính minh bạch, chất lượng phương tiện hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần được nâng cao nhằm tránh hiện tượng xử lý oan sai do thiết bị không chính xác hoặc lợi dụng quyền hạn thi hành công vụ để mưu lợi riêng, dẫn đến việc hiểu sai và làm giảm hiệu quả từ một chủ trương đúng đắn.