Nông nghiệp

Cộng đồng tham gia giám sát rau an toàn

Lưu Thị Hằng 09/12/2023 - 07:01

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp ghi nhận tình trạng nông dân chưa ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc đồng ruộng.

Để khắc phục điều này, ngành đã triển khai mô hình giám sát cộng đồng trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo nhóm tự quản, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

dai-dien-so-nn-ptnt-ha-noi-.jpg
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng rau an toàn tại xã Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Ảnh: Hương Giang

Giám sát từ đồng ruộng tới bàn ăn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, đơn vị đang duy trì, phát triển, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của cộng đồng (PGS) tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

Để làm được việc này, Chi cục tổ chức các lớp học đồng ruộng, tập huấn ngắn hạn theo quy trình kỹ thuật để nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn và quy định về an toàn thực phẩm cho nông dân với nhiều hình thức như: Huấn luyện dài hạn thông qua các lớp học đồng ruộng về IPM (thời gian 3-5 tháng); hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhận diện loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật không hướng dẫn trên rau; chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, bẫy dẫn dụ côn trùng…).

Đến nay, các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân; tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học chiếm khoảng 60%, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm còn 50%.

Tiếp tục nhân rộng mô hình này, từ tháng 4 đến tháng 12-2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thực hiện duy trì giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức).

Nhìn chung, qua quá trình thực hiện, mô hình này đã giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, đoàn thể địa phương về sản xuất an toàn, quy định trong sản xuất rau, quả, chè, hoa an toàn; vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý sản xuất, quản lý hoạt động buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng

Bên cạnh hiệu quả, việc triển khai chương trình này còn khó khăn do diện tích nhỏ, cán bộ cơ sở một số xã, phường chưa phát huy hết trách nhiệm trong kiểm soát an toàn thực phẩm ở cơ sở, ngại va chạm... nên việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã rau an toàn và nông dân chưa chặt chẽ.

Để nhân rộng mô hình này, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm. Các sở, ngành tham mưu thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh rau an toàn (chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn cho hợp tác xã...).

Để mô hình cộng đồng tham gia giám sát rau an toàn phát huy hiệu quả, thời gian tới, cán bộ chuyên môn của các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn, giám sát nông dân tại vùng rau an toàn ghi chép nhật ký đồng ruộng với trọng tâm là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách thức đơn giản như: Ngày phun thuốc, loại thuốc phun, liều lượng phun, thời gian cách ly, thời gian thu hoạch… đúng quy trình kỹ thuật.

Vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất rau ngày càng quan trọng vì đó là thực phẩm sử dụng hằng ngày, không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình. Vì vậy, việc nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong kiểm soát theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ là điều kiện quan trọng để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.