Nông nghiệp

Rau an toàn Tiền Lệ: Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng

Ngọc Quỳnh 08/12/2023 - 07:49

Xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) là một trong những vùng sản xuất rau an toàn lớn của Hà Nội, cung cấp một lượng lớn rau cho người tiêu dùng Thủ đô. Người dân trên địa bàn xã tuân thủ kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn nên chất lượng bảo đảm và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

nong-san.jpg
Sơ chế nông sản tại thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức). Ảnh: Hương Giang

Nằm ven bờ sông Đáy, thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) là một trong những nơi có dải đất phù sa màu mỡ, thích hợp cho canh tác rau màu. Thực tế, nghề trồng rau và hoa màu ở đây có từ lâu đời; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất rau an toàn được đầu tư khang trang, như: Đường bê tông nội đồng, giếng khoan, bể chứa nước…

Theo ông Cao Văn Chiến ở thôn Tiền Lệ, gia đình ông chuyển sang trồng rau an toàn theo hướng VietGAP được hơn 10 năm nay. Nhìn chung, canh tác rau theo hướng này ổn định, đạt khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm. Nông dân không những cung cấp chất lượng rau bảo đảm, mà còn thay đổi thói quen sản xuất tùy tiện trên cây rau trước đây vì không còn tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào chia sẻ, đến nay, hợp tác xã có hơn 500 hộ tham gia trồng rau VietGAP trên tổng diện tích 33,5ha. Vùng sản xuất rau an toàn Tiền Lệ đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và duy trì từ 5 đến 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt gần 50% trên tổng sản lượng của toàn hợp tác xã. Nhờ đó, rau Tiền Lệ đã cung cấp 12-14 tấn rau/ngày cho hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bếp ăn công nghiệp, trường học trên địa bàn Thủ đô.

“Trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, diện tích canh tác, giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Qua đó, bảo đảm sản lượng, chất lượng khi cung cấp cho thị trường. Việc liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã với giá thành cao, thu nhập của các xã viên cũng được tăng lên. Ngoài ra, các hộ dân tham gia mô hình PGS (hệ thống bảo đảm có sự tham gia) liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đều ký cam kết, nếu test rau đến kỳ được thu hoạch mà có dư lượng vượt ngưỡng sẽ bị phạt. Từ nhiều năm nay, việc lấy mẫu rau để test được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp làm thường xuyên, ngẫu nhiên hằng tuần, hằng tháng và chưa có hộ nào vi phạm”, ông Nguyễn Văn Hào cho biết.

Để bảo đảm kỹ thuật và giám sát chất lượng rau, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đều phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân, từ kỹ thuật sử dụng phân bón, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật đến quy trình thu hoạch sản phẩm. Do đó, không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn, có tem nhãn, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất, do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nông dân còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát sâu bệnh, nhất là trong giai đoạn cuối chuẩn bị thu hoạch, phải thường xuyên thăm đồng và xịt thuốc đúng quy cách… Hơn nữa, quy trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP còn phức tạp, nên nông dân khó tiếp cận, lúng túng, chưa quen việc ghi chép nhật ký đồng ruộng.

Để mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn hơn nữa, ông Nguyễn Văn Hào đề nghị các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân nâng cao kiến thức trong sản xuất, bảo đảm chất lượng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn để mở rộng sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, giúp hợp tác xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm.