Ứng Hòa vượt khó, tạo nền tảng phát triển vững chắc
Có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, huyện Ứng Hòa đã vượt khó, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tạo nền vững chắc cho tiến trình phát triển của địa phương…
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền.
- Là huyện thuần nông, ngân sách khó khăn, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đa số các tiêu chí của Ứng Hòa đều ở mức thấp. Huyện đã nhận diện và khắc phục những khó khăn này như thế nào, thưa đồng chí?
- Những ngày đầu bắt tay xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình trên địa bàn huyện xuống cấp và không đồng bộ; sản xuất chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quá ít...
Các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung đã hình thành, nhưng việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Đường giao thông nội đồng, kênh mương, các cơ sở sơ chế, chế biến... Việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp và nhân dân tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới còn khó khăn.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, báo cáo thành phố hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Huyện cũng quán triệt việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư trên nguyên tắc tập trung, không dàn trải và bám sát các tiêu chí nông thôn mới nhằm triển khai thực hiện các dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản...
- Khó khăn là vậy, nhưng với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, cách làm chủ động, phù hợp, hiệu quả, thời gian qua, diện mạo nông thôn huyện Ứng Hòa đã có những bước chuyển biến rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được thay đổi toàn diện. Với những thành tựu này, huyện Ứng Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể những kết quả này của địa phương?
- Ứng Hòa là huyện phía Nam thành phố Hà Nội, có 28 xã, 1 thị trấn, dân số hơn 217.000 người, được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, Ứng Hòa lấy nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở cho sự ổn định và phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại làm mũi nhọn.
Huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung, tổng quy mô khoảng 5.690ha và là huyện có diện tích trồng lúa J02 lớn nhất thành phố. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; các mô hình nuôi lợn ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, nuôi cá “sông trong ao”, trồng rau trong nhà màng, nhà kính… cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện.
Lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng có nhiều chuyển biến. Huyện đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt 3 cụm công nghiệp, tổng diện tích 67,76ha, trong đó, Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình và Cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động. Huyện đang chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng Cụm công nghiệp Xà Cầu, Cầu Bầu giai đoạn 2 xã Quảng Phú Cầu.
Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2013-2023 đạt 7,22%. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 8.491,85 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 800 tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất để thực hiện các công trình phúc lợi. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện mới đạt 12,38 triệu đồng, thì đến năm 2023 đã đạt 61,527 triệu đồng.
Bên cạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, huyện cũng đặc biệt quan tâm tới tiêu chí môi trường, thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”; xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu,... Hiện tại, toàn huyện đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu, với tổng chiều dài hơn 40km, có diện tích cây xanh bao phủ 867.412m2 và có 98 điểm với tổng diện tích 3.750m2 tranh tường tuyên truyền, cổ động về công tác xây dựng nông thôn mới…
Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 84/90 trường học đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. 28/28 xã trên toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vân Đình đạt chuẩn đô thị văn minh; trong đó có 6 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
- Xin đồng chí chia sẻ thêm những kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng nông thôn mới?
- Trước hết phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong nhân dân về quan điểm, nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phải bảo đảm công khai, dân chủ ở tất cả các khâu công việc để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất tự giác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hai là, xây dựng nông thôn mới gồm nhiều nội dung, nhiều mục tiêu ở nhiều lĩnh vực. Do vậy, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã và từ xã đến thôn.
Ba là, coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn.
Bốn là, công tác quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới phải gắn với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến họ. Tập trung phát huy vai trò giám sát của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
Năm là, cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn phải cụ thể, thực hiện đơn giản, nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, từ đó huy động được nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, cần ưu tiên ngân sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.
- Vậy, các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của địa phương là gì, thưa đồng chí?
- Chúng tôi xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới luôn là xuyên suốt, giai đoạn trước là nền tảng, cơ sở cho giai đoạn sau phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Không hài lòng, ngủ quên với những kết quả đạt được, huyện Ứng Hòa đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tập trung vào quy hoạch chi tiết vùng huyện và chú trọng thêm các vùng chuyên canh sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản.
Huyện cũng quy hoạch quỹ đất nông nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các chợ nông sản, có thêm những sàn giao dịch thương mại để tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Đồng thời, huyện phát huy thế mạnh làng nghề, xây dựng thêm các cụm công nghiệp làng nghề, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái… Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên...
Với tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Ứng Hòa tin tưởng và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, trở thành một miền quê đáng sống.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới tại Ứng Hòa đến hết năm 2025
- Huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6% tổng số xã); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6% tổng số xã); duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm, trong đó từng ngành là: Trồng trọt giảm 1,87%/năm; chăn nuôi, thủy sản tăng 5,57%/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025: Trồng trọt: 20,4%; chăn nuôi: 46,4%, thuỷ sản: 33,2%.
- Đạt từ 50% trở lên giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt từ 345 triệu đồng trở lên (theo giá thực tế).
- Tổng diện tích thủy sản toàn huyện đạt 4.300ha, sản lượng 49,8 nghìn tấn.
- Phát triển kinh tế trang trại, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 330 trang trại theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT, phát triển các hình thức hợp tác có hiệu quả, thực hiện liên kết các chuỗi nông sản.
- Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có từ 100 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên.
- Hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch huyện.
- Có trên 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
- Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân/người đạt 80 triệu đồng trở lên.
- Duy trì 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế.
- Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 95% dân số trở lên.
- Tỷ lệ người lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp đạt 95%.
- Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia đạt từ 90% trở lên.
- Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn.
- Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh (Smartphone) đạt 95% trở lên.
- Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.
- Tốc độ gia tăng Bảo hiểm xã hội tự nguyện năm sau so với năm trước đạt 30%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82% trở lên.
- Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt từ 55-60% trở lên.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%.
- Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%.
- Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
- Tỷ lệ làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 93% trở lên.
- Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 100%.
- Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu Cơ quan, Đơn vị văn hóa đạt 90%.
- Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 93%.