Giáo dục

Việc cô giáo Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp: Những điều trăn trở

Thống Nhất 07/12/2023 18:02

Những ngày qua, sự việc cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị nhóm học sinh “quây” vào góc lớp và có những lời nói, hành động không chuẩn mực khiến dư luận không khỏi bức xúc, song cũng đặt ra nhiều trăn trở.

Sự chệch hướng về văn hóa ứng xử trong trường học lại một lần nữa được cảnh báo, đòi hỏi không chỉ ngành Giáo dục mà các lực lượng liên quan đều cần nhìn nhận lại sự việc và có giải pháp chấn chỉnh.

Vì đâu nên nỗi?

Tối 4-12, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh chốt cửa, “quây” cô giáo vào góc lớp, đồng thời có nhiều lời nói, hành vi thiếu tôn trọng. Sự việc được xác định xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, hiện đang được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo quy định.

Điều đáng nói là trên mạng xã hội cũng xuất hiện clip ghi lại cảnh chính cô giáo này cầm dép đuổi học sinh chạy quanh lớp. Lớp học trong các clip này rất hỗn loạn, có nhiều âm thanh văng tục, chửi bới...

co-giao.jpg
Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp (Ảnh cắt từ clip).

Dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh nguyên nhân sự việc. Bởi lẽ, hầu hết sự việc bạo lực học đường thời gian vừa qua thường xảy ra ở chiều ngược lại, tức là giáo viên với học sinh, hoặc học sinh với học sinh, thậm chí có sự việc phụ huynh bạo hành giáo viên.

Là chuyên gia về tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, tâm lý học sinh bậc trung học cơ sở có nhiều biến động, đôi khi có những hành động bột phát, khó kiểm soát. Hành vi học sinh hành hung giáo viên là không được phép, tuy nhiên ở sự việc này, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, cần xem xét nguyên nhân cụ thể.

Tâm trạng chung của các nhà giáo khi xem clip sự việc này là sự trăn trở, xót xa khi thấy học trò lại có những hành vi hung hăng khó diễn tả. Nhà giáo Nguyễn Văn Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) bày tỏ sự đau lòng khi thấy cảnh học sinh không còn tôn trọng giáo viên. Xâu chuỗi sự việc còn cho thấy, giáo viên đang mất kiểm soát, dẫn đến những hành động có thể kích động học sinh vượt quá giới hạn cho phép.

Còn nhà giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) bày tỏ, trước khi phê phán học trò, thầy cô cũng cần nhìn lại mình. Nghề giáo đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù, đặc biệt là tình yêu thương, kỹ năng kiềm chế cảm xúc...

Nhận định chung, các nhà giáo cho rằng, quy định về xử phạt học sinh hiện nay chưa thực sự phù hợp, có những hình thức chưa đủ sức răn đe, trong khi các hành vi bạo lực trong trường học ngày càng có chiều hướng gia tăng phức tạp.

Giải pháp nào ngăn chặn?

Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, song hiệu quả chưa được như mong muốn. Để giải quyết từ gốc, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, mục tiêu chính không phải là kỷ luật học sinh mà là có biện pháp giáo dục học sinh nhận thức được sai lầm của mình, từ đó tự giác sửa chữa.

Bàn về giải pháp chống bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết cần căn cứ vào tâm lý học sinh để đưa ra các phương pháp giáo dục phù hợp thay vì trút giận, đòi hỏi sự công bằng hay kỷ luật học sinh, đồng thời, học sinh cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, học sinh có hành vi bạo lực học đường không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Vì thế, những học sinh này cần phải đối diện với cơ quan chức năng và đối diện với những hình thức xử lý phù hợp. Biện pháp giáo dục để học sinh nhận thức, hiểu về tính pháp lý rất quan trọng, từ đó học sinh nhận thức rằng phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình và sửa chữa, chuộc lỗi, đó là biện pháp gốc và có tính bền vững.

Liên quan đến sự việc này, nhiều nhà giáo cho rằng, từ đặc thù nghề nghiệp, nhà giáo cần có sự vị tha, tấm lòng yêu thương và biết lắng nghe, gần gũi với học sinh, từ đó có cách ứng xử khéo léo. Nguồn cơn của những bức xúc đều xuất phát từ những mâu thuẫn, áp lực, kéo theo sự mất kiểm soát. Vì thế, trong mọi tình huống, người thầy vẫn luôn cần giữ bình tĩnh, cư xử đúng mực và cố gắng kiểm soát cảm xúc.

Trong trường sư phạm, các thầy, cô giáo đã được dạy về kỹ năng ứng xử sư phạm, về việc nắm bắt tâm lý từng lứa tuổi học sinh, nhưng thực tế khi giảng dạy, có thể nảy sinh nhiều tình huống bất ngờ, đòi hỏi giáo viên phải thật bình tĩnh.

Nhìn lại sự việc, có thể thấy, việc cô giáo cầm dép chạy đuổi theo học sinh là hành vi không chuẩn mực. Có thể cô giáo có nhiều áp lực, dẫn đến việc mất kiểm soát hành vi. Nhưng với học sinh, dù là giáo viên đang gặp vấn đề gì, cư xử ra sao, các em cũng không được phép có lời nói, hành động vô lễ với giáo viên.

Ở sự việc này, theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nếu giáo viên sai thì cần phải xử lý theo đúng Luật Viên chức và các quy định liên quan đến nhà giáo, đồng thời cần tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng cho giáo viên. Học sinh sai thì phải xử lý theo đúng quy định hiện hành, tuy nhiên, cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ từ người lớn như gia đình, thầy, cô giáo với các biện pháp giáo dục mang tính tích cực để các em nhận thức ra khuyết điểm.

Các biện pháp kỷ luật nặng như buộc ngừng việc học trong vài ngày, thậm chí nhiều hơn không phải là giải pháp để giải quyết tận gốc sự việc.